Mùa này, đề phòng quai bị

Thanh Xuân 18/12/2016 10:35

Thời tiết chuyển lạnh sâu, cùng với những bệnh lây lan qua đường hô hấp, bệnh quai bị có xu hướng gia tăng. Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, một chùm ca bệnh quai bị đã được ghi nhận tại Trường tiểu học Tân Xuân, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn.

Mùa này, đề phòng quai bị

Ảnh minh họa.

Bệnh dễ lây

Hiệu trưởng Huỳnh Minh Vũ cho biết, bắt đầu từ ngày 28/11, 11 em học sinh trong trường đồng loạt nghỉ học. Thông qua phụ huynh, nhà trường được biết 11 em này mắc bệnh quai bị và phải điều trị tại gia đình. Những ngày tiếp theo, số học sinh mắc bệnh ngày một tăng dần. Đến ngày 13-12 đã có 23 học sinh mắc quai bị và phải nghỉ học, trong đó có một lớp khối 3 có 17 em mắc bệnh.

Ngay sau đó, Trường tiểu học Tân Xuân đã thông báo với Trạm y tế xã Xuân Thới Đông tiến hành khử khuẩn bề mặt các vật dụng tại ba lớp học có học sinh mắc quai bị và những lớp học gần kề. Để ngăn chặn bệnh lây lan trong trường học, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã phối hợp với Trạm y tế xã Xuân Thới Đông tiến hành điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh tại đây.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên, lây qua đường hô hấp, lưu hành ở khắp nơi trên thế giới và chỉ xuất hiện ở người.

Bệnh này xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông-Xuân. Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh…

Biểu hiện chính của bệnh ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng; sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C-40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn.

Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Khi bị nhiễm bệnh, virus nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết. Virus tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm và lan ra các cơ quan khác. Thời gian lây là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa xuân, nhất là trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ.

Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19. Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần.

Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.

Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.

Biến chứng nguy hiểm

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não... Trẻ em dưới 2 tuổi và người già rất ít khi bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.

Cho đến nay biến chứng của quai bị khiến nhiều người lo sợ đó là khả năng gây vô sinh. Đối với biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Ở nam giới, tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường.

Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên mới trưởng thành. Đặc điểm nổi bật là thường xảy ra một bên.

Ở nữ giới thì có thể viêm buồng trứng. Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non; ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.

Vì vậy, Bộ Y tế đã có khuyến cáo để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị. Mọi người nên tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị. Vắcxin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.

Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác. Khi bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời; đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Vaccin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6-7 tuần. Số lần tiêm: Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi.

Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vaccin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.

Đây là thời điểm rất dễ lây lan các bệnh do virus nói chung và bệnh quai bị nói riêng, do đó người dân cần phải giữ vệ sinh cá nhân, làm sạch môi trường xung quanh, tiêm vắcxin để phòng ngừa bệnh quai bị. Đối với học sinh, nếu có dấu hiệu của bệnh như sốt, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai, chảy nước bọt... thì phải nghỉ học ngay để cách ly trong khoảng thời gian 7-10 ngày- bác sỹ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo.

Thanh Xuân