Ấn tượng địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi của Việt Nam vừa lọt top 10 những công trình ngầm, điểm du lịch dưới lòng đất thú vị nhất hành tinh do trang Traveller bình chọn. Hệ thống đường hầm được xây dựng kỳ công, chiều dài lên tới 250km. Nơi lưu giữ chứng tích một thời khói lửa giờ là điểm du lịch hút khách của TP Hồ Chí Minh.
Mô hình đường hầm tại nhà trưng bày.
Với mong ước một lần ghé thăm vùng căn cứ hiểm yếu mà lính Mỹ từng ví là “vùng đất chết” với lính thủy đánh bộ Mỹ và các thiết đoàn Sài Gòn. Chúng tôi đặt chân tới đất thép Củ Chi vào một ngày cuối năm. Có lẽ tới đây, người ta mới thực hiểu vì sao Mỹ - ngụy đã mở vô số các cuộc ném bom và các đợt càn quét quy mô lớn vùng Củ Chi nhiều năm trời, nhưng vẫn khó phát hiện đường hầm bí hiểm mang tên địa đạo Củ Chi.
Không mang dáng vẻ kỳ vĩ của những kỳ quan, hệ thống phòng thủ hầm hào Củ Chi bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng để tấn công Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968...
Du khách xuống địa đạo.
Cấu trúc địa đạo Củ Chi là hệ thống công sự ngầm bí mật dưới lòng đất, các hệ thống công sự này được ngụy trang rất sâu và kỹ lưỡng trong rừng rậm nhiệt đới. Khi đến tham quan khu vực Địa đạo, chúng tôi được xem lại những đoạn phim tư liệu ghi lại cảnh sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân Củ Chi, được các hướng dẫn viên trong trang phục quân đội giới thiệu tổng quan về Địa đạo.
Háo hức khám phá một “thành phố thu nhỏ dưới lòng đất”, tiến vào trong lòng địa đạo, những hầm tư lệnh, trạm xá, lớp học, phòng nghỉ, nhà ăn, giếng nước… tất cả đều nằm sâu dưới lòng đất và gây bất ngờ với du khách.
Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy bếp ăn Hoàng Cầm - minh chứng về sự sáng tạo, thông minh của người Việt. Bếp được xây dựng hết sức khoa học, khi nấu khói bốc lên phải qua rất nhiều lớp và cuối cùng khi thoát ra ngoài chỉ còn là một làn sương mờ ảo mà máy bay của địch bay từ trên cao không thể phát hiện được.
Cũng tại đây, chúng tôi còn được thưởng thức món sắn luộc và cơm nắm, những món ăn rất quen thuộc, những món ăn chính của quân và dân Củ Chi trong những tháng ngày chiến đấu.
Chứng tích chiến tranh.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những đường hầm đan xen kỳ lạ như mạng nhện. Các công sự ngầm sâu dưới từ 3-8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15m, trong vắt.
Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường “xương sống” tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất được 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn.
Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Do được đào trên khu vực đất sét pha đá ong nên hệ thống hầm trú ẩn có độ bền cao, ít sụt lở và chịu được sức công phá của các loại bom lớn của quân đội Mỹ. Các khu vực khác nhau có thể được cô lập khi cần. Lòng hầm rất nhỏ nên gò mình mới có thể di chuyển được.
Ngoài ra, địa đạo tối nên những người không quen sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi được nếm “mùi vị” của bóng tối và cái nóng nực đến đổ mồ hôi bởi len lỏi trong những đường hầm chật chội.
Cuối đường hầm chúng tôi bắt đầu thấy ánh sáng le lói, và lom khom một đoạn nữa thì chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì đang đứng trước sông Sài Gòn. Gió sông thổi mát rượi, mọi mệt mỏi bỗng chốc tan biến.
Người hướng dẫn viên cho biết: Qua thời gian, đường hầm ngày càng được mở rộng ra nhờ sự chung sức, chung lòng của quân và dân ta. Họ chỉ sử dụng các công cụ thô sơ như cuốc, thuổng, mai và tay trần để tạo ra những đường hầm mê cung. Công việc đóng vai trò quan trọng đóng góp to lớn vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Địa đạo Củ Chi không chỉ đơn giản là một hệ thống đường hầm dưới lòng đất, nó trông giống như một mê cung phức hợp trong lòng đất, một thế giới ngầm tiềm tàng sức mạnh.
Chỉ cần đến đây, chui xuống một đoạn đường hầm, du khách sẽ hiểu vì sao mảnh đất nghèo khó đã đương đầu chiến đấu bền bỉ, ròng rã suốt 21 năm và cuối cùng giành chiến thắng oanh liệt trước một đạo quân được trang bị những vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân và hiện đại nhất lúc đó.
Dành phần lớn thời gian để khám phá hệ thống đường hầm và chụp ảnh kỷ niệm, nhưng chúng tôi cũng không dám đi xa quá vì e ngại vẫn còn những bẫy ngầm trên mặt đất chưa được phát hiện.
Dù không có cơ hội khám phá hết 250 km đường hầm, nhưng những gì chúng tôi trải nghiệm, quả thực đều vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Chỉ có thể nói, người dân đất thép Củ Chi đã có khả năng biến huyền thoại thành sự thật. Và như tờ Daily Mail đánh giá, không gì chứng minh sự bền bỉ của người Việt Nam hơn những đường hầm ở địa đạo Củ Chi.