Biểu tượng bất tử của chiến tranh nhân dân
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, sáng 18/12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.
Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...đã đến dự.
Ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Trong hai ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20h03 ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả nước ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Theo Bí thư Hoàng Trung Hải: Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Đoàn kết, đồng lòng
Ông Hoàng Trung Hải khẳng định, “tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 – 1947” đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.
Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, quân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung nguyện chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc… đưa đất nước tiến lên.
Theo đó, sẽ có nhiều nhiệm vụ cần tập trung như: tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước. Phát triển mạnh doanh nghiệp; tạo mọi thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững và tăng cường niềm tin trong nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Đại tá Nguyễn Huy Du, nhân chứng tham gia kháng chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946: Tôi không thể nào quên mùa đông năm 1946, mùa đông rét mướt, ác nghiệt, mùa đông có nhiều thử thách hiểm nghèo như trong thế ngàn cân treo sợi tóc, buộc quân và dân ta phải cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước…Tôi không bao giờ quên được những bài học tôi đã được học khi sống chết với Thủ đô 60 ngày đêm năm 1946. Đó là bài học về tinh thần đoàn kết, dựa vào nhân dân để giam chân địch. Bài học về tinh thần yêu nước, sự quả cảm, nguyện hy sinh hết mình cho đất nước. Đại diện cho thế hệ trẻ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách – giảng viên Đại học Y Hà Nội: Chúng tôi cảm nhận huyền thoại về 60 ngày đêm năm đó không chỉ nằm trong ký ức của những người dân Hà Nội mà sự kiện đã đi vào lịch sử đất nước như một thiên anh hùng ta bất tử. Lớp trẻ chúng tôi tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bao chàng trai, cô gái đất Hà Thành rất lãng mạn thanh lịch nhưng cũng đầy quả cảm, đã bước vào cuộc chiến với tinh thần của cả tuổi trẻ, của lý tưởng. Thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về trách nhiệm với những đòi hỏi của thời đại mới. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Chúng tôi nguyện cùng phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp phát triển đất nước, chăm lo cho cuộc sống hôm nay. |