Quảng Nam, Quảng Ngãi: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Tấn Thành – Chí Đại 18/12/2016 13:10

Hiện nay, tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, người dân vùng rốn lũ đã tranh thủ nước rút, dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa và ra đồng đắp bờ, đê mương, dọn rác bèo, bơm nước, khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ mấy ngày qua gây ra.

Chị Trần Thị Vân đang dọn dẹp nhà cửa.

Ngổn ngang sau lũ

Sáng 18/12, chúng tôi có mặt tại các xã Duy Thành, Duy Vinh,… huyện Duy Xuyên và các phường Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam chứng kiến cảnh người dân đang khẩn trường dọn dẹp nhà cửa, đường bê tông trong các khu dân cư và các cơ quan, trường học sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.

Vừa lo quét dọn bùn, đất trong nhà ra sân, chị Trần Thị Vân (SN 1978), trú xã Duy Thành cho biết: “Mưa lũ đợt này kéo dài, bà con quá khổ vì chạy lũ, giờ lại cực khổ sau lũ vì phải dọn dẹp nhà cửa, đường sá, ruộng vườn, đâu đâu cũng đầy bùn, đất. Sáng nay nước rút xuống, tôi đã tranh thủ quét bùn đất trong nhà và lấy nước rửa sạch nhà cửa, ngó bộ làm cả ngày ni mà không xong”.

Các cô giáo mầm non xã Duy Vinh dọn vệ sinh khuôn viên nhà trường.

Còn tại Trường Mầm non, THCS ở xã Duy Vinh, sáng cùng ngày, các cô giáo ở đã tập trung tích cực dọn bùn đất và quét dọn, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị cho công tác giảng dạy trở lại.

Đó cũng là tỉnh cảnh chung của các trường nơi rốn lũ. Như tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Lê Đấu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mưa lũ đã làm cả sân trường và một số phòng bị ngập nước nặng. Tranh thủ nước rút, toàn thể các thầy, cô giáo của nhà trường đã đến dọn dẹp, lau chùi các bàn ghế, các phòng học”.

Các thầy, cô giáo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm
đang đẩy bùn đất ở sân trường ra ngoài.

Trong khi đó, tại huyện Đại Lộc, nước cũng đã bắt đầu rút xuống, nhưng vệ sinh môi trường là nỗi đáng lo, bởi con sông Vu Gia nước vẫn chảy đục ngầu, vàng ché, nhà các hộ dân, cơ quan, trường học nằm dọc ven sông đầy bùn, đất, nhiều khu dân cư đầy rác, xác cây, động vật chết vẫn còn đọng lại ở nơi trũng thấp.

Người dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc ở dọc sông Vu Gia đã trở về nhà cùng với lực lượng chức năng ở địa phương tập trung khắc phục hậu quả lũ dữ gây nên. Ở xã Đại Lãnh, tại Trường Tiểu học Lê Quang Tám, các thầy cô giáo và học sinh đang tích cực dọn dẹp bùn, đất tràn ngập trường.

Thầy hiệu trưởng Lê Tấn Kính cho biết: “Chúng tôi phải tranh thủ dọn dẹp. Để nước rút hết thì lớp bùn đất đóng lại trên mặt tường, sân trường rất khó dọn sạch. Đáng mừng là ngoài thầy cô thì nhiều phụ huynh cũng mang cuốc, xẻng, thùng nước đến giúp nhà trường. Mọi việc giờ đã tương đối, thứ hai tới học sinh đi học lại bình thường, vì trước đó, học sinh phải nghỉ học do mưa lũ”.

Người dân xã Duy Thành đang tích cực dọn bùn trên các tuyến đường.

Ông Hứa Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết: “Tranh thủ nước rút, các hộ dân có nhà bị ngập đã huy động lực lượng xúc bùn cát, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Với những hộ có ruộng vườn bị ngập, bà con cũng đã bắt đầu bơn thoát nước để cứu hoa màu”.

Còn tại Quảng Ngãi, có nhiều nơi vẫn còn ngập sâu, những nơi nước rút cây cối, hoa màu, nhất là chậu kiểng ngổn ngang, cùng với bùn, đất tràn ngập các tuyến đường, vườn, nhà của dân. Tuy nhiên nước rút đến đâu bà con lo dọn dẹp nhà cửa, vườn tược đến đó.

BCH Quân sự tỉnh đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ về vùng rốn lũ Hành Tín Tây thuộc huyện Nghĩa Hành, Đức Hòa, Đức Nhuận, huyện Mộ Đức dọn vệ sinh các trường học vùng bị ngập lụt nặng.

Nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Lê Quang Tám
đến giúp nhà trường dọn vệ sinh.

Tích cực hỗ trợ người dân

Sáng 17/12, Chi cục PCTT-TKCN khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, trận lũ này đã làm cho 15 người chết, 3 người mất tích và bị thương 14 người. Có 130 nhà bị sập, 127.194 nhà bị ngập nước. Ngoài ra ruộng láu, hoa màu, đường sá bị thiệt hại nặng nề. Như có đến 12.140 ha lúa bị ngập, úng.

Các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuân đã đề nghị Trung ương hỗ trợ từ 7 tỉ đến hàng trăm tỉ đồng để khắc phục bước đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cùng với đó hàng nghìn tấn gạo, tấn lúa giống, hóa chất,... để giúp dân và xử lý vệ sinh môi trường…

Người dân đang tích cực dọn bùn, đất sau lũ.

Hiện nay, công việc dọn dẹp sau lũ đang được tích cực tiến hành nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều bề: dọn nhà cửa, chăm lại vườn tược cây cối, dọn đồng ruộng lo cho việc sản xuất trở lại. Đáng lo là các giếng nước bị bùn, phèn do lũ, nhà cửa hư hỏng, các giống cây con vật nuôi bị thiếu nên việc mưu sinh... còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, các địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ người dân. Theo đó, UBND các địa phương đã chỉ đạo các ban ngành, xã phường và người dân chuẩn bị các biện pháp khắc phục.

Ngành y tế sẵn sàng thuốc để khử trùng các giếng nước. Chỉ đạo ngành du lịch và quản lý thị trường phải khắc phục ngay các mặt hàng khan hiếm đang tăng giá, đồng thời bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng, ngành giáo dục đôn đốc các trường khẩn trương khắc phục môi trường sạch sẽ sau khi lũ rút để bảo đảm việc học cho học sinh…

Nhiều cán bộ công sở tập trung dọn bùn, đất sau lũ.

Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Xã đã huy động khoảng 30 người là cán bộ, viên chức đến cơ quan dọn dẹp vệ sinh, quét bùn đất ở sân ra ngoài. Đợt lũ này, hơn 5 hecta ruộng đồng của người dân bị bèo phủ kín nên chính quyền xã cử các lực lượng xung kích phụ giúp người dân khắc phục để sản xuất vụ đông xuân sắp đến”. Đó cũng là công việc của nhiều địa phương vùng lũ hiện nay.

Hiện nay, Mặt trận tỉnh và các cấp đã tích cực tiếp tục vận động và đón nhận những sự hỗ trợ của các địa phương, đồng thời kịp thời trao đến tận các tay các gia đình, các vùng rốn lũ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tấn Thành – Chí Đại