Cách nào cứu các hồ Hà Nội
Trước tình trạng cá chết tại một số hồ trên địa bàn, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát và lấy mẫu nước để kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 115 trên 120 mẫu nước được lấy tại các hồ Hà Nội bị ô nhiễm nặng.
Nếu không có giải pháp cấp bách bảo vệ, hiện tượng cá chết
sẽ xảy đến với bất kỳ hồ nào trên địa bàn Hà Nội.
Trên 95% hồ bị ô nhiễm nặng
Ông Phạm Hoài Minh- Phó giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện trong khu vực nội thành Hà Nội có tổng cộng 120 hồ nước, qua lấy mẫu nước của tất cả các hồ này xét nghiệm, kết quả cho thấy, có tới 115 mẫu nước (chiếm trên 95%) bị ô nhiễm, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm hữu cơ, gây mất dưỡng khí ô xi và bốc mùi tanh, hôi thối. Trong danh sách hồ ô nhiễm có nhiều hồ lớn như: Đống Đa, Văn Chương, Giảng Võ, Thiền Quang…
Tại các hồ bị ô nhiễm, hiện toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân vẫn chưa được thu, ngăn chặn triệt để. Đa số rác thải sinh hoạt vẫn xả trực tiếp xuống lòng hồ. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, nước tại các hồ trên địa bàn Hà Nội chưa một lần được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ mà nhiều thành phố trên thế giới đang áp dụng. Trước thực trạng ô nhiễm như vậy, nếu không xử lý kịp thời, hiện tượng cá chết có thể xảy đến với bất kỳ hồ nào trên địa bàn.
Kỹ sư nông nghiệp Phùng Minh Quang, người gắn bó nhiều năm với sông hồ Hà Nội cho rằng, so với thời gian 30-40 năm trước, ao hồ Hà Nội ô nhiễm hơn rất nhiều. Mặc dù nhiều hồ đã được cải tạo, làm kè, lan can cảnh quan thay đổi đáng kể; đồng thời giúp giảm nguồn phát sinh ô nhiễm nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ. Hầu hết các hồ hiện nay chưa cải tạo được chất lượng nước, tức là chưa chia tách, xử lý được nước thải vào hồ. Trong khi nhiều ao, hồ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước nên khi mưa xuống, rác thải theo dòng chảy vào ao, hồ gây ô nhiễm.
Xử lý bằng công nghệ mới cần nhưng chưa đủ
Từ thực tế ô nhiễm tại các hồ, ông Minh cho biết, TP Hà Nội đã giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội chủ động nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm nước tại các hồ. Hiện Công ty đã thử nghiệm chế phẩm Redoxy - 3D (Cộng hoà liên bang Đức) đang được nhiều hồ trên thế giới áp dụng áp dụng tại 3 hồ là Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu. Kết quả là, cả 3 hồ sau khi được xử lý, nước hồ đã không còn mùi hôi, khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt tình trạng thiếu ô xy trong nước dẫn đến cá chết trên nhiều hồ vừa qua đã được xử lý, màu nước chuyển sang trong xanh. “Từ kết quả đạt được, thành phố tiếp tục giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội nhân rộng công nghệ xử lý ô nhiễm trên tất cả các hồ còn lại trên địa bàn. Hy vọng khi sử dụng sản phẩm này, ô nhiễm tại các hồ sẽ được xử lý triệt để”, ông Minh nói.
Sử dụng công nghệ mới để giải cứu các hồ ở Hà Nội là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ, PGS.TS Trương Mạnh Tiến- Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội nói. “Nhưng với diện tích lên tới gần 500ha mặt nước, tôi e rằng mình không thể nào dùng chế phẩm để xử lý tận gốc vấn đề. Thay vào đó, Hà Nội cần những giải pháp hết sức tổng thể”, ông Tiến phân tích.
Giải pháp căn cơ, theo ông Tiến, trước hết về mặt quản lý nhà nước, chính quyền thành phố, các quận huyện và đặc biệt là Quận Tây Hồ (nơi có hồ Tây vừa xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt) phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng hồ. Cần phải có sự phân công rạch ròi cho các đơn vị quản lý hồ để đảm bảo việc các hồ “có chủ” chịu trách nhiệm ở đó chứ không như cách người ta nói đùa “cha chung không ai khóc”. “Giải pháp tiếp theo là phải có cơ chế xử phạt những vi phạm. Đồng thời dùng các biện pháp khoa học công nghệ, có những chế phẩm như Hà Nội đang thử nghiệm để khắc phục tình trạng này”, ông Tiến nhấn mạnh.
PGS Mạnh Tiến cũng lưu ý, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Có thể một doanh nghiệp nhận giải quyết một hồ, hoặc một vài doanh nghiệp chung tay “giải cứu” một hồ. Điều cuối cùng không thể thiếu sự chung tay của các cư dân sống quanh hồ. Chỉ khi nào người dân ý thức được bảo vệ hồ khỏi ô nhiễm là việc của họ. Bởi chính họ chứ không phải ai khác sẽ phải gánh chịu những hệ lụy từ ô nhiễm của các hồ nếu không tìm cách bảo vệ môi trường sống thì hồ mới không bị ô nhiễm nghiêm trọng.