Gỡ rào cản, vượt qua thách thức
Nhân dịp về nước dự Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam”, GS Trần Ngọc Anh- hiện đang làm việc tại trường Đại học Indiana (Mỹ), thỉnh giảng tại trường Đại học Havard, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Việt Nam đã dành cho ĐĐK một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề gỡ rào cản để vượt qua thách thức.
GS Trần Ngọc Anh.
PV: Thưa GS, kinh tế của nước ta đang đứng trước thách thức nợ công, tài chính. Vậy, cần những giải pháp nào để vượt qua thách thức, vượt qua những rào cản trong phát triển kinh tế?
GS Trần Ngọc Anh: Nhóm nghiên cứu Sáng kiến Việt Nam tập hợp được những người có chuyên môn sâu trong và ngoài nước. Chúng tôi có nghiên cứu xem lại một loạt các rào cản qua đó phát hiện có 3 rào cản chính đang cấp bách với Việt Nam. Thứ nhất là hiệu quả của bộ máy hành chính. Thứ hai là tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Thứ ba là tiếp cận về đất đai của DN. Nếu Chính phủ tháo điểm nghẽn, gỡ rào cản thì nền kinh tế lập tức sẽ có được tác động tích cực.
Ngoài ra có những vấn đề cản trở về trung hạn như vấn đề về thực thi hợp đồng, lao động, rủi ro về kinh tế vĩ mô. Nếu không xử lý tốt về nợ công sẽ có những bất ổn về vĩ mô trung hạn. Còn dài hạn là vấn đề về con người, nguồn nhân lực. Bây giờ có thể chưa ngặt nghèo lắm nhưng khoảng 5-7 năm nữa nếu chúng ta không giải quyết được sẽ gay. Rồi, vấn đề hạ tầng bây giờ chúng ta đã đầu tư lớn về hạ tầng thì đang ổn, nhưng nếu không có chiến lược sẽ khó khăn trong thời gian tới.
Về giải pháp trước hết phải xem từ gốc của mọi thứ thấy để thấy rằng yếu tố tác động lớn nhất đó là hiệu quả hoạt động của chính quyền. Theo tính toán sơ bộ nếu hiệu quả của bộ máy hành chính chỉ cần tăng lên 10% thì GDP sẽ tăng thêm 3,6%. Tăng được 3,6% là con số rất lớn. Nếu Chính phủ muốn tăng GDP thì phải cải cách chỗ đó. Nếu như bệnh là tính kém hiệu quả của hệ thống hành chính, thì nguyên nhân sâu xa là tính chịu trách nhiệm của từng quan chức, người phục vụ dân và DN còn kém. Nguyên nhân chính là không có hệ thống đánh giá cho tin cậy. Làm ở một cơ quan phục vụ dân mà chất lượng phục vụ dân có biết đo như thế nào? Chỉ số hài lòng chỉ là một phần mà phải có thước đo. Do vậy phải đưa ra các thước đo để đo được chất lượng làm việc của từng đơn vị phục vụ người dân và DN từ đó mới tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan đó lên.
Dự báo 10 năm nữa Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn dân số vàng. Từ bây giờ nếu không tăng tốc phát triển thì khó đạt được mục tiêu đề ra. GS nghĩ sao?
- Điều này rất đúng, có thể nói đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta tăng trưởng. Nếu chúng ta vào giai đoạn người già nhiều, người trẻ trong độ tuổi lao động ít thì chuyện bứt phá trong nền kinh tế gần như rất là khó. Theo tính toán chỉ 10-15 năm nữa nếu chúng ta không tận dụng cơ hội này thì sẽ khó mà bứt tốc độ.
Một trong 3 đột phá để phát triển kinh tế được xác định chính là đào tạo nguồn nhân lực. Theo GS, để đáp ứng với tình hình mới, sắp tới việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ phải thay đổi?
- Cách đây vài hôm, tôi và GS Ngô Bảo Châu đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Chúng tôi đã bàn về hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, Thủ tướng rất quan tâm và Bộ trưởng đã “đặt hàng” chúng tôi đó là muốn tập hợp trí tuệ của người Việt trong và ngoài nước xây dựng chiến lược tổng thể cho ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Chúng tôi và GS Châu sẽ tập hợp các anh em để giúp sức cho Bộ GD-ĐT. Thứ hai, sinh viên ra trường không có việc làm cho thấy chất lượng đào tạo trong các trường đại học có vấn đề.
Tôi và GS Châu có đề xuất với Bộ trưởng sáng kiến và ông đã nhất trí, đó là thống kê và công bố hàng năm tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của từng trường, từng khoa. Nơi làm ăn tốt sẽ tự hào và nơi kém sẽ cố gắng, tạo ra động lực mới cho những người lãnh đạo các trường đại học cải thiện chỉ số. Đây là chỉ số quan trọng nhất trong các trường đại học và như vậy cũng là để nguồn lực xã hội được phân bổ một cách hợp lý. Đây là việc không dễ làm nhưng rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Bộ trưởng Nhạ đã nhất trí cho nên thời gian tới chúng tôi sẽ khảo sát và cung cấp thông tin về vấn đề này.
GS từng nói, cần tháo gỡ thủ tục hành chính quá rườm rà, tạo kẽ hở cho cán bộ công quyền gây cản trở sự phát triển của DN, người dân, làm cho nền kinh tế khó cất cánh. Nhưng, phải gỡ như thế nào, thưa GS?
- Bây giờ cần sử dụng thông tin để nâng cao chất lượng giải trình. Có nghĩa là trong thủ tục hành chính khi người dân đến làm việc họ phải có quyền đánh giá lại dịch vụ thủ tục đấy về độ hài lòng chung, thời gian, chi phí không chính thức, thái độ và sự hiểu biết sự giải thích cặn kẽ mà họ nhận được. Và ta phải công bố cái này thường xuyên, định kỳ để người phục vụ nhân dân họ phải chịu trách nhiệm về việc đó, nghĩa là Chính phủ phải có hệ thống lấy sự phản hồi của người dân, DN để đánh giá và nâng cao chất lượng phục vụ ở các cấp.
Thưa GS, vậy các ý kiến đóng góp của Nhóm Sáng kiến Việt Nam đã được các cơ quan Nhà nước lắng nghe như thế nào?
- Nhóm đã góp ý gửi cho Quốc hội, các cơ quan trong nước. Hầu hết các phân tích, ý kiến mà nhóm gửi về đều được lắng nghe, và một số việc đã được ứng dụng vào trong chính sách, luật pháp. Ngoài chuyện các cơ quan trong nước có thể tiếp thu các đề xuất, nhưng chuyện để trao đổi, học hỏi lẫn nhau tìm hiểu nhiều hơn về tình hình trong nước trong khi trong nước muốn biết tình hình mới và sự phát triển của khoa học là vô cùng quan trọng. Từ đó mới có thể thể hiện qua chính sách cụ thể.
Trân trọng cảm ơn GS!