Cần chế tài mạnh với những người thích ‘mạnh tay’ trong gia đình
Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực thực thi hơn một năm nhưng mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại hội phụ nữ các cấp là chủ yếu trong khi đó việc kéo giảm bạo lực gia đình rất cần những chế tài mạnh…
Theo Bộ LĐ-TB&XH sau một tháng phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã có gần 800 hoạt động được diễn ra; 70 nghìn cuốn tài liệu đã được phát hành với sự tham gia của hầu khắp các tổ chức, bộ, ngành...
Tuy nhiên trước thực trạng gia tăng đáng báo động của bạo lực gia đình như hiện nay thiết nghĩ để kéo giảm bạo lực gia đình cần hơn một “Tháng hành động”.
Luật nhiều... vẫn khó giảm bạo lực
Kể lại nỗi khổ khi bị chồng đánh, chị Nguyễn Thị H. ở Hà Nội không cầm được nước mắt. Chị H. mới lấy chồng được 5 năm nhưng với chị quãng thời gian này dài đằng đẵng bởi ngày nối đêm, đêm nối ngày, cuộc sống của chị chẳng khác gì địa ngục bởi những trận đòn roi vô cớ của chồng.
Là một người phụ nữ có học thức nhưng cũng giống như bao phụ nữ khác khi là nạn nhân của bạo hành, chị H. chỉ nhẫn nhịn kẻo “xấu chàng hổ ai” bởi thế, mỗi khi được hàng xóm khen gia đình nhà chị hạnh phúc, chuẩn mực chị lại nghẹn đắng nuốt nước mắt vào trong. Chị bảo chị không ham hố danh hiệu gia đình văn hóa nhưng chị sợ sự đàm tiếu của thiên hạ khi vợ đi tố cáo chồng. Chị không sợ cô đơn nhưng lại sợ con sống không bố... Cũng vì những nỗi sợ ấy mà mặc nhiên chị H. biến mình thành nạn nhân câm lặng.
Đó không chỉ là câu chuyện, là nỗi sợ của riêng chị H. mà câu chuyện đáng buồn hàng nghìn gia đình Việt Nam hiện nay. Điều đáng buồn là sống trong một gia đình thường xuyên bị bạo lực, nhiều trẻ em lớn lên đã mang theo một nỗi ám ảnh tinh thần về những cách ứng xử thô bạo của bố mẹ với nhau. Và đã có không ít em đã bị đẩy vào con đường tội lỗi cũng bởi sống trong một gia đình... bạo lực ấy. Nhiều đứa trẻ đã nói rằng, chúng sợ nhất là khi phải chứng kiến những hành vi bạo lực của cha mẹ.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm một thống kê và kết quả cho thấy 34% phụ nữ đã có gia đình bị chồng bạo hành (tức là trung bình cứ 3 người phụ nữ đã kết hôn có một người đã từng bị chồng bạo hành). Tuy nhiên, đa phần nạn nhân vẫn im lặng dù đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007.
Bên cạnh đó nhiều chương trình, hoạt động, dự án đã được thực hiện hướng đến phụ nữ, giúp phụ nữ vượt qua hoàn cảnh, nỗi sợ, dám đấu tranh và không cam chịu bạo lực. Nhưng hiệu quả vẫn dừng ở mức tuyên truyền, vận động, chứ chưa đi sâu vào mỗi gia đình
Cần những giải pháp đồng bộ
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm 2016 với mục đích huy động sự tham gia vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH trong 30 ngày của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã có gần 800 hoạt động được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ.
Điều này cho thấy sự lan tỏa rộng rãi, cũng như sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong đấu tranh xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Song đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận để đạt tới đích thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cần phải tiếp tục dành sự nỗ lực bền bỉ hơn nữa.
Ở góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, dù nhiều chính sách đã được ban hành song đến nay, chúng ta vẫn chưa có văn bản luật hay chính sách hoàn chỉnh để có thể giải quyết vấn đề bạo lực gia đình.
Thực tế, dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực thực thi hơn một năm nhưng mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại hội phụ nữ các cấp là chủ yếu trong khi đó việc kéo giảm bạo lực gia đình rất cần những chế tài mạnh, sự quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng cũng như của chính bản thân người trong cuộc.