Thủ tướng: Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết các tôn giáo
“Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với chức sắc cao cấp các tôn giáo ở Việt Nam tại Hội trường Thống nhất (TP HCM) vào sáng nay, 19/12.
Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, cùng khoảng 55 đại biểu là các chức sắc cao cấp các tôn giáo tại Việt Nam.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm: “Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”.
Thủ tướng cũng không quên nhắc lại lịch sử, khi các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn coi trọng chính sách về tôn giáo.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngay từ ngày đầu lập nước, trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) cho đến Hiến pháp hiện nay của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chính sách nhất quán, đúng đắn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo mọi điều kiện để các tôn giáo cùng chung sống hòa bình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng truyền đi thông điệp: “Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo luôn được nuôi dưỡng, bồi đắp bởi truyền thống yêu nước của các dân tộc Việt Nam”.
Từ thông điệp đó, Thủ tướng cũng ghi nhận, với sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các tôn giáo thời gian qua đã góp công lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất như hôm nay.
“Chúng ta càng tự hào về những thành tựu đã đạt được bao nhiêu, càng thấy rõ trách nhiệm nặng ở phía trước lớn bấy nhiêu, tiếp tục chung tay của cả dân tộc và sự đồng tâm hiệp lực của tôn giáo rất có ý nghĩa vì một nước Việt Nam thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong các giai đoạn cách mạng, đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn với đồng hành với dân tộc, như “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành; “Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài; “Vì đạo pháp vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đã góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu bên lề Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc, luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vận động tín đồ, quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; hăng hái tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các hoạt động thiện nguyện, đóng góp thiết thực vào việc xóa đói, giảm nghèo, phòng chống các tai nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc.
“Đặc biệt là trong các phong trào thi đua ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình mẫu mực, tận tụy của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Điều đó đã khẳng định chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo”, Thủ tướng một lần nữa trân trọng ghi nhận sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ các lo lắng hiện nay khi tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; tranh chấp biển Đông; xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới; thế lực xấu luôn tìm mọi cách chống phá Việt Nam trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bên cạnh đó, các mặt trái của xã hội đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, như vấn đề tội phạm, nạn ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, quan liêu, tham nhũng, lãng phí,…
“Những tiêu cực này đã tác động đến đời sống của nhân dân. Trong khi chúng ta đang tìm cách tháo gỡ thì vẫn phải đối mặt với những áp lực mới và gay gắt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy, để xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân được tốt hơn, đảm bảo dân chủ, tiến bộ, tăng cường kỷ cương hành chính, Thủ tướng yêu cầu cần phải phát huy vai trò của các tôn giáo với sự phát triển chung của đất nước.
Việc Chính phủ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với chức sắc cao cấp các tôn giáo ở Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích cầu thị, mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tôn giáo.
Mục tiêu chung của chúng ta là đoàn kết cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu tâm huyết của mình.
Không để tình trạng kiến nghị không được trả lời
Tường thuật trên baochinhphu.vn cho hay: Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cũng trực tiếp xử lý, giải quyết các kiến nghị của các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo.
Về ý kiến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành, kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn sát với Luật, tránh rơi vào cơ chế xin-cho, Thủ tướng nhìn nhận đây là ý kiến xác đáng và cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn trên cơ sở bám sát các nội dung Luật giao cho Chính phủ thực hiện và sẽ công bố trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP.
Có ý kiến nêu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ hoạt động của đồng bào Phật giáo Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Thủ tướng trả lời, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào có đạo, trong đó có đồng bào có đạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo cần quan tâm, qua sinh hoạt tôn giáo để đoàn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực khác, qua đó xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Về ý kiến liên quan đến công tác triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, nhà tu hành cũng cần nghiên cứu Luật này để “chúng ta cùng nhau thực hiện tốt pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật”.
“Về ý kiến quý vị nêu việc thành lập chi hội trên các đảo thì hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tới đây, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thì việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc được áp dụng tại Điều 28, 29 của Luật này”, Thủ tướng nói.
Trước phản ánh về tình trạng căng thẳng ở một số địa phương thời gian qua, Thủ tướng trả lời, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không chấp nhận hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như đồng bào có đạo biết rất rõ ai có thái độ xây dựng, ai có thái độ thiếu xây dựng trước các sự việc của đất nước.
Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, không thể giải đáp tất cả các vấn đề, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét xử lý theo đúng thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng nếu vượt thẩm quyền với tinh thần “không để tình trạng kiến nghị không được trả lời”.
Phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội
Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung.
Thủ tướng nêu rõ cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Ảnh: VGP.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2018. Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo trong thời gian từ nay đến 1/1/2018, đồng thời, quán triệt, tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật khi có hiệu lực.
Thủ tướng đề nghị phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân văn, bác ái của các tôn giáo trong đời sống xã hội, làm phong phú và bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và lao động sản xuất. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng giao Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; y tế, giáo dục, dạy nghề, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; hoạt động quốc tế, pháp nhân của tổ chức tôn giáo… kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…
“Có thể nói, đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành với dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.