Rau gắn mã vạch
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”, chiều 18/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động Chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn do CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) khởi xướng. Chương trình này được dư luận kỳ vọng sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ. Trước mắt, Chương trình sẽ được áp dụng thí điểm tại Hà Nội và TP HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động Chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn.
Chúng ta phải sử dụng thực phẩm hàng ngày nhưng lại luôn nơm nớp nỗi lo không biết có an toàn hay không, các loại thức ăn mình dùng có gây bệnh hay không.
Sở dĩ vậy vì xã hội giờ nhan nhản những thực phẩm “bẩn”, theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ai dám đoan chắc rằng những miếng thịt lợn mình mua mỗi sớm mai lại không còn tồn dư thuốc tăng trọng, siêu nạc, hay dư lượng kháng sinh?
Cũng chẳng có ai dám khẳng định mỗi mớ rau mua về ăn hàng ngày không phải được tưới bằng nguồn nước ô nhiễm, hoặc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...
Đương nhiên là sẽ chẳng có ai đủ bản lĩnh “thông thiên” để có thể chắc chắn về độ an toàn của các loại thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày.
Nói như vậy có vẻ hơi bất công đối với một số doanh nghiệp, hộ gia đình làm ăn chân chính sản xuất ra thực phẩm sạch, cũng là bất công đối với các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Song, phải thẳng thắn mà nói với nhau rằng, hiện nay trắng đen nhập nhèm, vàng thau lẫn lộn, thực phẩm sạch và bẩn đan xen trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang lo sợ.
Đơn cử như việc nhập khẩu trái cây từ một nước láng giềng chẳng hạn. Với “quy trình” kiểm soát như hiện nay thì có khi lô hàng nhập khẩu đã tiêu thụ hết veo và theo thuyết chuyển hóa năng lượng thì nó đã chuyển hóa sang dạng vật chất khác từ lâu rồi mới có kết quả phân tích, đánh giá rằng nó có an toàn cho người sử dụng hay không.
Hay một ví dụ khác là một mớ rau bán ở chợ, thậm chí trong cả siêu thị cũng không có cơ chế gì kiểm soát được rằng nó đã đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm hay chưa.
Tóm lại là việc đánh giá thực phẩm có sạch hay không thì hiện chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào niểm tin. Người tiêu dùng thì hoặc là mua thực phẩm của người quen với niềm tin rằng họ sẽ không lừa dối mình mà bán thức ăn có hại, hoặc giả vào siêu thị mua với niềm tin rằng siêu thị là nơi làm ăn có uy tín và sẽ nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ tin cậy...
Song, vấn đề ở đây là người quen không lừa mình nhưng bản thân họ cũng không phải là cơ quan chuyên môn để có thể kiểm soát độ sạch của thực phẩm, còn siêu thị thì chẳng phải nhiều nơi đã từng bị cơ quan chức năng phát hiện trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng đó sao?
Trở lại câu chuyện DAA khởi động Chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn. Theo DAA thì trung bình mỗi gia đình Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 kg rau, củ/ ngày.
Rau có ở tất cả mọi nơi, từ các cửa hàng, chợ cho tới siêu thị, nhưng nó có an toàn hay không là một câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.
Với lý do trên, DAA đưa ra giải pháp kiểm soát rau an toàn bằng đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý. Mỗi mớ rau sẽ được dán tem thông minh giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc và có thể an tâm về chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm.
Cái hay của chương trình hay ở chỗ không chỉ đối với người tiêu dùng, mà một khi triển khai trong thực tế cũng sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm không còn nỗi lo ngay ngáy về an toàn khi sử dụng thực phẩm có dán tem thông minh, cơ quan chức năng thì có thể giám sát chặt chẽ, đồng thời có thể xử lý “ngay và luôn” những doanh nghiệp, hộ gia đình làm ăn gian dối, còn phía nhà sản xuất thì dễ dàng tiêu thụ sản phẩm vì có uy tín. Thật đúng là tiện ích cho cả 3 bên!
Chương trình kiểm soát rau an toàn không mới, bởi hiện TP HCM cũng đã và đang áp dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại một số siêu thị.
Chỉ cần một chiếc smart phone có cài phần mềm kiểm tra mã vạch, hoặc người tiêu dùng có thể sử dụng máy tính có ở siêu thị để kiểm tra mã vạch của miếng thịt là có thể biết nó có xuất xứ từ trang trại nào, được giết mổ ra sao, do đơn vị nào phân phối.
Với việc truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của thịt lợn, mớ rau thì người tiêu dùng có thể tạm yên tâm về “độ sạch” của miếng ăn hàng ngày.
Sau miếng thịt đến mớ rau được dán tem thông minh để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm quả đúng là thông tin hết sức đáng mừng cho xã hội.
Dư luận kỳ vọng từ nay miếng ăn, miếng uống hàng ngày không còn là nỗi lo “đường từ bữa ăn đến nghĩa địa quá ngắn” như một vị đại biểu Quốc hội từng phát biểu.
Song, dù có tem thông minh hay mã vạch gì đi chăng nữa thì vẫn phải do con người kiểm soát, nếu nguồn gốc rõ ràng mà vẫn làm ăn gian dối thì người tiêu dùng cũng khó có thể yên tâm về độ an toàn của thực phẩm.
Vậy nên bên cạnh việc áp dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, thì vẫn cần các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ mới mong thực sự có thực phẩm sạch.