Khẩn trương khắc phục bồi lấp, cải tạo đồng ruộng
Tại Quảng Ngãi, ngay sau lũ, người dân không chỉ lo dọn dẹp nhà cửa, vườn tược mà còn đang rất khẩn trương tập trung dọn ruộng đồng chuẩn bị gieo sạ lúa vụ đông xuân 2016-2017.
Bà Nguyễn Thị Tê, đang khẩn trương dọn ruộng.
Ngay sau lũ, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương đã triển khai tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng, vận động nhân dân cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, thu dọn rác, bèo bị nước lụt tấp vào ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân kịp thời đúng theo lịch thời vụ đã quy định.
Những ngày này, người dân trong huyện Sơn Tịnh ra đồng be bờ cải tạo ruộng bị bồi lấp do lũ lụt vừa qua.
Dù vẫn mưa lất phất nhưng ông Võ Văn Hoàng, thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà vẫn mang áo mưa, đội nón khắc phục bờ ruộng trên cánh đồng Rộc Trường.
Do nằm ở vùng trũng thấp nên trong cơn lũ dữ vừa qua khiến cả 2 sào đất canh tác lúa của ông đều bị xói lở. Đứng trên đám ruộng của ông Hoàng nhìn quanh cánh đồng Rộc Trường, chúng tôi thấy những nông dân khác cũng đang thu gom rác thải trên đất sản xuất lúa, đắp bờ ruộng để giữ nước.
Trên các cánh đồng, ở nhiều nơi, đi đâu cũng bắt gặp nhiều đám ruộng bị nước lũ bồi lấp cát và bà con nông dân đang khẩn trương tiến hành cải tạo lại.
Bà Nguyễn Thị Tê, nông dân ở xã Tịnh Sơn, cho hay: “Gia đình tôi có 3 sào ruộng ở thôn Đông, sau lũ, tôi và một số bà con nông dân ở cánh đồng đắp lại bờ mương, cải tạo lại ruộng, chuẩn bị lúa giống chuẩn bị gieo sạ lúa vụ đông xuân theo kịp tiến độ”.
Công việc chuẩn bị cho vụ đông xuân đang rất khẩn trương, vì chỉ còn khoảng 5 ngày nữa là bắt tay vào việc gieo sạ, vì thế thời điểm này người nông dân ở Quảng Ngãi tập trung dọn ruộng. Vì theo nhiều bà con, nếu chậm chạp thì chắc chắn sẽ trễ vụ.
Bà Tê cho biết: “Vụ Đông Xuân trời lạnh nên mình phải tập trung lo không chỉ phân chuồng mà còn tro, phân lân để đủ độ ấm cho cây lúa. Mùa này nước úng nên nông dân ai cũng làm rò cao cho nước thoát để cây lúa lên đều, khỏi phải dặm”.
Không riêng bà Tê, những ngày này về các xã của huyện Sơn Tịnh hay các địa phương khác của Quảng Ngãi, chúng tôi đều thấy nông dân khắp nơi đang tất tả cải tạo mặt ruộng bị sa bồi. Trên các cánh đồng nông dân tiến hành cày dập gốc rạ, cỏ dại để tiến hành làm đất gieo sạ lúa vụ đông xuân.
Nông dân Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ: Bước vào vụ đông xuân, ruộng bỏ hoang 3 tháng, mùa mưa cỏ dại với lúa chét mọc dày nên phải cày ải dập gốc rạ, diệt cỏ dại sớm, nếu cày muộn thì sau này gieo sạ, cây lúa dễ bị mắc bệnh nghẹt cổ rễ.
Nông dân đang khẩn trương làm đất để gieo sạ vụ Đông Xuân
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng huyện Sơn Tịnh vụ đông xuân năm 2016 – 2017 có kế hoạch gieo sạ 4.170 ha lúa. Theo chỉ đạo của huyện bà con nông dân tập trung xuống giống đại trà từ ngày 25/12/2016 đến ngày 10/1/2017.
Riêng đối với chân ruộng trũng, tùy tình hình cụ thể về mưa, lũ, nước rút đến đâu gieo sạ đến đó nhưng phấn đấu kết thúc gieo sạ trước ngày 15/1/2017. Những giống lúa được lưu ý để chống hạn và thu hoạch gọn trong tháng 4/2017.
Theo đó, đối với các xã ven sông Trà Khúc sử dụng các giống HT1, ĐH815-6, ĐH9981, OM6976, MT10, KD đột biến, DT45, ĐV108, OM6162, OM7347, PC6; đối với các xã phía Tây Bắc huyện sử dụng các giống HT1, ĐH815-6, ĐH99-81, ĐH500, MT10, KD đột biến, DT45, ĐV108, Thiên ưu 8, PC6.
Tùy theo điều kiện từng vùng, mỗi xã nên chọn 2-3 giống chủ lực và 1-2 giống bổ sung để gieo sạ là phù hợp. Khuyến cáo nông dân bón vôi khử chua, bón lót phân chuồng để cải tạo đất; đồng thời cũng khuyến cáo nông dân thực hiện việc giảm lượng giống gieo sạ, tăng tỉ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trong sản xuất lúa. Sử dụng giống lúa nguyên chủng hoặc giống cấp 1, trên chân đất tốt, đất phù sa ven sông Trà lượng giống gieo sạ 80kg/ha; trên chân đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng (các xã phía Tây bắc huyện) lượng giống gieo sạ 90kg/ha (4,5kg/sào).
Các HTX hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, tổ chức gieo sạ tập trung hết diện tích theo từng vùng, từng xứ đồng, thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại trong sản xuất. Đặc biệt, vụ lúa này nên chú trọng khâu làm đất chu đáo, dọn vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali và phòng ngừa các loại bệnh do thừa đạm.
Gạt hết những vất vả do lũ gây ra, bà con đang tập trung cho vụ mùa mới, với niềm tin, hy vọng vụ mùa đông xuân năm 2017 sẽ thắng lợi.