Nghi phạm đâm xe vào chợ Giáng sinh Đức là người tị nạn?
Cảnh sát Đức hôm 20/12 cho hay người đàn ông được cho là nghi phạm chính trong vụ lao xe tải vào đám đông người tại một khu chợ Giáng sinh nằm giữa trung tâm thủ đô Berlin là một người tị nạn đến từ khu vực Afghanistan-Pakistan, CNN dẫn lời 2 quan chức cảnh sát giấu tên ở nước này cho hay.
Chiếc xe tải gây án (màu đen) tại hiện trường vụ tấn công ở Berlin. (Nguồn: Bild).
Các nguồn tin cho biết, nghi phạm trong vụ tấn công xảy ra tối hôm đầu tuần, khiến 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương, đã tới Passau, một thành phố Đức nằm sát biên giới với Áo vào ngày 31/12/2015, sau khi di chuyển dọc qua nhiều nước thuộc vùng Balkan.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức một cuộc họp báo trong hôm 20/12, nói rằng sự việc này sẽ thật là “đáng ghê tởm” nếu như nghi phạm này hóa ra lại là một người đã được họ chấp nhận cho vào diện tị nạn.
Cảnh sát thành phố Berlin cho hay chiếc xe tải trên đã lao vào đám đông người đi đường “một cách có chủ ý” trong lúc đang chở tới 25 tấn thép đằng sau.
Được biết chiếc xe tải đã lao vào khu chợ Breischeidplatz thuộc sở hữu của một công ty Ba Lan. Ông Arel Zurawski, chủ sở hữu công ty này, nói rằng xe tải của công ty ông có thể đã bị cướp vì người thường xuyên lái chiếc xe này là một người họ hàng của ông chứ không phải nghi phạm trên. Được biết xe tải này thường được sử dụng để chở thép.
“Tôi cho rằng chúng đã làm gì người họ hàng của tôi và cướp chiếc xe tải này” - ông Zurawski nói với kênh TVN 24, thêm rằng, vợ của tài xế chiếc xe đã cố gắng gọi cho chồng mình nhiều lần nhưng không thể liên lạc được.
Cảnh sát Berlin cũng cho hay thi thể người đàn ông tìm thấy trong chiếc xe tải trên là một công dân Ba Lan và không ngồi ở hàng ghế dành cho tài xế trong khi sự việc xảy ra. Một người đàn ông khác, người có khả năng là tài xế lúc đó, đã bị bắt giữ ở cách hiện trường vụ tấn công khoảng 1 dặm và hiện đang bị xem là nghi phạm chính.
Phát biểu trong hôm 20/12, Thủ tướng Merkel nói rằng vụ việc trên được xem là một vụ tấn công khủng bố tuy nhiên không đề cập tới danh tính của nghi phạm.
“Tôi biết thật khó để có thể chịu đựng nỗi đau này nếu như người đã gây nên vụ tấn công này từng có đơn xin tị nạn được chấp nhận ở Đức” - bà Merkel nói.
Vụ tấn công khủng bố hôm đầu tuần có khả năng sẽ càng làm tăng sức ép chính trị đối với bà Merkel, người đang chịu nhiều lời chỉ trích vì chính sách mở cửa với người nhập cư của bà. Đức đã tiếp nhận hơn 890.000 người tị nạn hồi năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Qua lời kể nhân chứng
Tôi hôm đầu tuần vừa qua, khu vực Breischeidplatz, Berlin mang đậm nét không khí Giáng sinh ở nươc sĐức: Nhiều cây thông được trang hoàng bằng đèn, các cửa hiệu ven đường bày bán hoa quả và bánh quế, mùi một loại rượu truyền thống lan tỏa khắp không khí. Người người đi mua sắm các loại quà tăng, đồ ăn vặt trong một khu chợ rực rỡ màu sắc…
Cô Shandana Durrani, một công dân Mỹ có mặt tại khu chợ này đã dừng lại để trả lời tin nhắn, thì bỗng dưng một chiếc xe tải hạng nặng lao tới đám đông, đúng vào lúc 20h. Durrani nói rằng cô thật may mắn vì đã dừng lại lúc đó vì chiếc xe tải đã lao lên cả vỉa hè, đâm sầm vào rất nhiều người và các sạp bán hàng chỉ cách cô có vài chục thước, khiến cho nhiều người dân xung quanh la hét trong hoảng loạn.
“Tôi còn nghe thấy một vài tiếng nổ và nghĩ rằng có thể có gã nào đó đang mang súng” - Durrani kể lại với hãng tin AP về sự việc chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 10 giây - “Người dân bắt đầu tháo chạy và bỏ lại cả hàng hóa mà họ vừa mua”.
Cảnh báo về khủng bố
Cảnh sát Đức hiện vẫn từ chối xác nhận về động cơ của nghi phạm nọ cũng như tiền sử của gã. Tuy nhiên, điều đó cũng thể ngăn cản một số chính trị gia trên thế giới đưa ra những lời cáo buộc của mình.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng đưa ra bình luận của mình về sự việc, trong đó nói rằng “IS và những kẻ khủng bố” và “những kẻ thánh chiến toàn cầu” đứng đằng sau vụ tấn công.
Trong khi đó, vụ tấn công trên cũng gây báo động ở một số nước châu Âu từng hứng chịu các vụ tấn công tương tự. Như ở Pháp hồi tháng 7 vừa qua, một chiếc xe tải lao vào đám đông đang xem pháo hoa ngày Quốc khánh ở Nice khiến 86 người thiệt mạng và 200 người bị thương. Các nhóm khủng bố như IS hay al-Qaeda trước đó từng khuyến khích những kẻ ủng hộ mình sử dụng các phương tiện giao thông để thực hiện các vụ tấn công.
Sau khi sự việc xảy ra, cả chính phủ Mỹ và Anh đều khuyến cáo công dân nước mình về khả năng các mối đe dọa ở nước Đức.
“Đang có mối đe dọa lớn từ chủ nghĩa khủng bố” - Cơ quan du lịch nước ngoài Anh cho hay - “Các vụ tấn công giờ đây có thể nhằm vào cả các khu vực tập trung đông du khách nước ngoài”.