Tìm cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội
Chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội. Theo đó nhiều ý kiến tán đồng với việc dư nợ vay của thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách.
Hà Nội cần nguồn kinh phí lớn để hiện đại hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, với 12 điều. Mục tiêu ban hành Nghị quyết nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước. Đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP.
Đối với mức dư nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định mức dư nợ vay của TP Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp thay vì mức dư nợ tính trên dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP như Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
“Với quy định này quy định đã quy định gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp TP có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng. Đồng thời, các khoản vay được tính trong bội chi ngân sách của TP và do Quốc hội quyết định hàng năm, nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của ngân sách TP”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng: Dự thảo Nghị định quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là thống nhất với quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Ông Nhã cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thấy rằng so với quy định hiện hành thì quy định mới về mức dư nợ vay không quá 60% theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã cao hơn khoảng 1,5 lần để bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội có nguồn lực phát triển.
Trình bày kiến nghị của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu lên những khó khăn, mong được hỗ trợ liên quan đến xây dựng một số công trình của TP.
Trước vấn đề này, bày tỏ quan điểm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhu cầu của Hà Nội là xác đáng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay cuối năm không giải quyết được thưởng vượt thu do mắc cân đối của ngân sách Trung ương. Thưởng với điều kiện Trung ương vượt thu, đến nay nhiều địa phương đã vượt thu nhưng ngân sách Trung ương mới chỉ đạt hơn 83,6%. Năm nay ngân sách Trung ương rất khó khăn. Nếu thưởng khi ngân sách Trung ương âm thì khó vì làm nợ công tăng lên.
“Chia sẻ với Hà Nội nhưng trong bối cảnh hiện nay mấy năm vừa qua, rồi sắp tới cũng khó khăn khi giá dầu thô đang xuống nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và TP Hà Nội chia sẻ với Trung ương”- Bộ trưởng Dũng cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ chế đặc thù cho Thủ đô là cần thiết nhưng phải đúng luật, đã là cơ chế đặc thù thì phải có sự đột phá mạnh mẽ để Thủ đô phát triển. Do đó cùng với cơ chế tài chính, Chính phủ nên nghiên cứu đề nghị của Hà Nội để tạo sự năng động nhạy bén. Nguyên tắc cốt yếu là ban hành Nghị định không được làm nguồn lực yếu đi, chứ ban hành mà làm hẹp hơn thì không nên ban hành.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngân sách Trung ương đang rất khó khăn, ban hành Nghị định phải bám sát, phải có lợi thế hơn so với trước đây. Cho nên tỷ lệ điều tiết vẫn giữ nguyên là 35%; số bội chi không quá 60% số thu, nếu trường hợp khi vay cần tăng thêm thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để nới bội chi khi cần thiết. Mức đầu tư trở lại phải thực hiện đúng Khoản 2 Điều 21 Luật Thủ đô. Trong quy hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ rà soát, và tạo điều kiện hơn cho Thủ đô.
Cùng ngày với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2017. Trong đó quy định: Đối với mức án phí hình sự, quy định mức thu án phí hình sự là 200.000 đồng để bảo đảm tính khả thi. Đối với mức án phí giải quyết theo thủ tục rút gọn thì quy định mức thu bằng 50% mức thu của vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường, để bảo đảm phù hợp với thực tế giải quyết vụ án. Đối với lệ phí công nhận, cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài: Quy định một mức thu lệ phí áp dụng chung là 3 triệu đồng; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử về mức thu giữa tổ chức, cá nhân thường trú và không thường trú tại Việt Nam.