Nâng chất lượng đào tạo để giáo sinh không thất nghiệp
Theo dự báo, năm 2020, Việt Nam có hơn 70 nghìn sinh viên sư phạm thất nghiệp. Trong khi đó hiện nay, chất lượng các trường sư phạm trên cả nước được cho là không đồng đều. Bài toán nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên vẫn cần lời giải.
Ảnh minh họa.
Yêu cầu đổi mới
GS Đinh Quang Báo- Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trước kia chúng ta đào tạo giáo viên đại trà vì thiếu. Thậm chí lớp 7 đi học mấy tháng rồi đi ra làm giáo viên (mô hình 7+3, 10+2) rồi cao đẳng... Có những năm cả nước có 142 trường sư phạm, mỗi tỉnh có 2 trường bao gồm cả trung cấp và cao đẳng.
Theo TS Mai Văn Tỉnh- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, sức ì của cách làm cũ đè nặng lên vai mọi giáo viên và cán bộ quản lý. Nguồn lực nhà nước hạn chế, ngành sư phạm không thu hút được người tài, giáo viên không cập nhật đổi mới ngành trong khi đó nhiều sinh viên được đào tạo bài bản.
Thông tin năm 2020, có đến hơn 70 nghìn sinh viên tốt nghiệp sư phạm không có việc làm khiến nhiều người lo lắng. Năm nay Tạp chí tin tức đại học thế giới đưa tin, hiện nay có trên 1 tỉ thanh niên từ trong độ tuổi 14-25 thất nghiệp không phải khan hiếm việc làm mà các cơ sở giáo dục không cung cấp đủ kĩ năng mà giới chủ cần trong đó có Việt Nam
“Khi sự thiếu hụt giáo viên không còn là vấn đề cấp bách thì việc nâng cao chất lượng đào tạo phải được quan tâm hơn”, GS Đinh Quang Báo khẳng định. Với những trường đang yếu thì gom lại thành các trường lớn hơn. Như ĐH Sư phạm Hà Nội hiện nay sáp nhập với CĐ Sư phạm Hà Nam. Những trường CĐ trở thành phân hiệu, cấu trúc của một trường lớn. Các nước một trường ĐH rải ra khắp nơi là chuyện bình thường.
Đào tạo giáo viên trong tư thế tác nghiệp
GS Đinh Quang Báo chia sẻ, ông có hạnh phúc là lúc làm hiệu trưởng (giai đoạn từ 1997 – 2006) là giai đoạn sinh viên vào trường sư phạm cực giỏi, vào khoa Toán 27 điểm 3 môn. Nhìn lại, bây giờ một số trường thậm chí không tuyển được. Như ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM còn chủ động trong tuyển sinh nhưng đầu vào giảm đi rất nhiều. ĐH Sư phạm Thái Nguyên chỉ tuyển được ½ chỉ tiêu dự kiến. Bây giờ nhu cầu vào sư phạm ít thì càng có điều kiện nâng cao chất lượng.
Theo GS Đinh Quang Báo, nên cải tạo mô hình đào tạo giáo viên theo định hướng giảng dạy “lâm sàng” như ngành y. Giáo viên của chúng ta cũng được học trong chính môi trường phổ thông. Trường sư phạm cũng lấy một số hệ thống các trường phổ thông như bệnh viện thực hành của trường y. Đào tạo trong tư thế tác nghiệp ở nhà trường phổ thông. Đấy là mô hình mà trên thế giới người ta đã vận dụng.
“Ngày xưa 2000 sinh viên đi thực tập sư phạm thì khó lòng, lùa họ xuống sư phạm để ngửi mùi phổ thông tí chút. Bây giờ ít hơn thì có điều kiện cho họ thực tập sư phạm như một giáo viên thực thụ”, GS Đinh Quang Báo hiến kế.
Đào tạo giáo viên trong thời đại 4.0
TS Mai Văn Tỉnh cho rằng, các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay đang đối mặt với nhiều cơ hội, thách thức do kết quả của cách mạng số. Các cơ sở giáo dục đang phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau dạy học, nghiên cứu, dịch vụ đều bị tác động bởi sự có sẵn của công nghệ số.
Giảng viên ĐH, CĐ phải rõ được 2 điều: “học về” và “học để”. “Học về” tức là học nội dung. “Học để” là tạo đầu ra, giúp sinh viên đi làm thầy giáo. Giảng viên phải biết làm lộ sáng sinh viên ở trình độ tiên tiến của chuyên gia học, làm cho họ trở thành chuyên gia học, tổ chức semina, hội thảo...
TS Mai Văn Tỉnh lấy ví dụ, tại Mỹ, ngành giáo dục nỗ lực đưa kiến thức kĩ năng thế kỷ 21 vào chương trình đào tạo nhà giáo. Từ năm 2009 các trưởng khoa đào tạo sư phạm họp nhau lại chia sẻ tầm nhìn kiến thức kĩ năng thế kỷ 21. Trong đào tạo nhà giáo, họ châm lửa đối thoại giữa các lãnh đạo để cùng nhau thực hiện tầm nhìn mới.
Như Thụy Điển khi đổi mới chương trình, từ chương trình không toàn quốc chuyển thành 7 khu vực, chung 60% còn 40% đưa đặc thù từng khu vực. Chương trình đào tạo sư phạm phải đứng đầu trận tuyến nghiên cứu và đánh giá của giáo dục thế kỷ 21.