Lo âu bên vách núi

Hà Văn Đạo 21/12/2016 08:08

Cứ đêm xuống là bật đồng hồ báo thức và thấp thỏm lo nhà sập vì đất đá. Đó là trạng thái của nhiều khu dân cư sống bên các dãy núi chứa ẩn những hiểm nguy ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Nỗi lo càng tăng lên khi tang thương đã biến thành sự thật. * 4 người thiệt mạng, 10 người bị thương, cả chục ngôi nhà bị vùi lấp.

Nhiều hộ dân còn sống phấp phỏng bên vách núi.

Đêm kinh hoàng

Cái đêm 19 và rạng sáng ngày 20/12 là những khoảnh khắc kinh hoàng, đau nhói, ám ảnh đối với những người dân thôn Phước Lộc (xã Phước Đồng, TP Nha Trang).

Khi trời còn chìm trong đêm đen bất ngờ hàng trăm khối đất đá từ ngọn núi cao đổ ập xuống khiến hàng chục căn nhà biến thành đống đổ nát làm cho nhiều người chết, 3 người mất tích, 10 người khác bị thương. Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở núi nghiêm trọng này, hàng trăm nhân viên cứu hộ thuộc nhiều lực lượng khác nhau tích cực tìm kiếm những người mất tích.

Thi thể hai bà cháu bị tử vong là bà Phan Thị Cư (71 tuổi) và cháu trai Nguyễn Khanh đã được tìm thấy. Các nạn nhân vẫn còn bị mất tích là Phạm Thị Hoa (43 tuổi), Văn Song…nhói đau, đây chưa phải là con số thương vong cuối cùng cho đến chiều tối 20/12.

Bà Lê Thị Hằng, có chồng đang nguy kịch ở bệnh viện cho biết, quá đớn đau và bàng hoàng. Vụ việc xảy ra lúc gần 2 giờ sáng, cái giờ mà ai cũng đang say giấc ngủ nên không thể xoay sở kịp. Ở đô thị phồn hoa này có hàng chục khu dân cư sống bên các vách núi thế này, các trương trình tuyên truyền không có, hiểm nguy luôn rình rập.

Người dân chỉ biết sống trong bất an. Nhiều người dân cho biết: Vụ lở núi diễn ra nhanh như sấm chớp. Chúng tôi cách chân núi hàng chục mét mà còn bị đất táng vào lưng, may không chết chứ như nhà bà Cư ở ngay chân núi thì chạy sao mà kịp được. Nhà bà Cư rất nghèo, bà cháu nuôi nhau. Hầu hết người dân sống dọc sườn núi thôn Phước Lộ này cũng đều có điều kiện kinh tế eo hẹp cả. Anh Nguyễn Văn Tú có nhà bị sập nhưng may mắn thoát chết vẫn còn run cầm cập cho biết; nghe tiếng ào ào đổ xuống, hai vợ chồng bật dậy nhanh chóng ôm con lao ra nhưng vẫn bị mấy cục đá nhỏ thúc mạnh vào lưng. May không gãy xương sống. Chỉ chậm vài phút nữa thôi là mất mạng cả nhà rồi. Thật ám ảnh quá.

Không chỉ đêm 19 mà trong đêm 18/12 với những người dân Phước Lộc cũng đầy ám ảnh. Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: Từ lúc mưa bão đến nay không tài nào ngủ được. Hàng trăm hộ dân sống bên mép núp đầy hiểm nguy thế này chính quyền đều biết cả. Giá như có cảnh báo, có sự khảo sát trước đã không có tang thương chồng chất như thế này. Đêm nào với người dân nơi đây vào mùa mưa bão cũng bất an hết.

Nước mắt tuôn dài

Chị Lê Thị Mùi ở Phước Đồng, con của bà Phan Thị Cư khóc thét và ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu khi nhận tin mẹ mình tử vong, cháu mình là Khánh cũng tử vong. Khi gượng dậy, chị Mùi đau điếng như người mất hồn. Vụ lở núi không chỉ thương vong về người, làm sập hoàn toàn 8 căn nhà mà còn san phẳng nhiều chuồng nuôi heo khiến cho trên 40 con heo chết vùi trong đất đá.

Có mặt chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường lở núi ở Phước Đồng, ông Đào Công Thiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Sẽ cố gắng tìm bằng được mấy người đang mất tích. Đây là vụ sạt lở nghiêm trọng, rất đau lòng. Sau khi cứu hộ xong sẽ hỗ trợ cho các hộ dân bị thương vong và sập nhà hoàn toàn trong vụ này. Hỗ trợ và tìm kiếm đó là điều tất yếu sau mỗi sự cố. Nhưng giá như có những cảnh báo trước đó thì đã tránh được bao mất mát kinh hoàng.

Nhiều hộ dân chia sẻ, mưa tầm tã cả tháng trời, đất yếu, sụp núi là điều hiển nhiên thôi. Lẽ ra chính quyền nên biết và có cảnh báo chứ. Cứ để đổ ụp xuống rồi lo ứng cứu thì chỉ là cách giải quyết hậu quả mà thôi.

Không chỉ ở Phước Đồng, dọc dài TP Nha Trang còn nhiều xóm dân cư sống bên vách núi đầy hiểm nguy như Hòn Sện, Núi Sạn… Bà Nguyễn Thu Huệ ở Hòn Sện cho biết, mấy đợt mưa lũ có thấy ai cảnh báo lỡ núi đâu. Cho đến khi vỡ mương nước sập nhiều căn nhà mới thấy các lực lượng ập đến.

Nhiều hộ dân mất mát nặng nề, nước mắt tuôn dài đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Khâu dự báo nếu làm tốt thì hạn chế được rất nhiều hậu quả. Nhiều hộ dân bên vách Núi Sạn cũng như ngồi trên đống lửa cho biết: Sống bên vách núi thế này ăn không ngon, ngủ không yên. Dân đen thì sao biết dự báo được.

Đến khi sụp hết xuống, chết người rồi mới giật mình thì còn gì mà nói. Giá như các cấp chính quyền có các cuộc rà soát các khu vực sống bên vách núi, tiềm ẩn hiểm nguy trong các đợt mưa lũ để sơ tán thì nỗi đau đã không chồng chất.

Hà Văn Đạo