Bỏ ngỏ chính sách quản lý môi trường nông thôn

Nguyễn Đào 21/12/2016 11:04

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ môi trường (BVMT) nông nghiệp, nông thôn được quy định khá đầy đủ tại Luật BVMT, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Đóng góp khoảng 24% GDP và 30% giá trị xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Kết quả Báo cáo môi trường quốc gia 2014 với chủ đề “Môi trường nông thôn” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) xây dựng cho thấy, bên cạnh những yếu tố tích cực thì dưới áp lực của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khu vực nông thôn - nơi tập trung khoảng 70% số dân của cả nước - đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề, như ô nhiễm nước, không khí, đất,…

Theo thống kê, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu - loại rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường… làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng.

Đáng lo ngại, kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho thấy có đến 46% trong số đó có môi trường bị ô nhiễm nặng (về không khí, nước, đất, hoặc cả ba dạng); 27% bị ô nhiễm vừa và mức độ ô nhiễm của các làng nghề không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chính là các làng nghề chưa xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải đều xả trực tiếp ra môi trường, nhất là nước thải tại các làng nghề tái chế kim loại, chế biến nông sản, thủy sản.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo đánh giá của Tổng cục Môi trường do ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư sinh sống và sản xuất tại các khu vực nông thôn chưa cao bên cạnh đó nhận thức về những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý tổ chức chưa đầy đủ.

Đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đang gặp khó khăn trong việc triển khai và đáp ứng tiêu chí 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, các xã nông thôn đạt chuẩn các tiêu chí chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, ngành như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng tiếp tục rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao, nhất là tránh sự chồng chéo, bất cập trong quản lý môi trường khu vực nông thôn.

Nguyễn Đào