Những vựa rau tan tành sau lũ
Tại Quảng Nam, thời gian qua liên tiếp gánh những trận lũ lớn. Hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng. Người nông dân lại đang đứng trước nguy cơ thiếu giống để tái sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Chín rơi nước mắt bên đám rau, đậu của mình.
Trong và sau lũ phóng viên Đại Đoàn Kết đã có mặt nhiều nơi, nhất là những vựa rau nổi tiếng của Quảng Nam nằm dọc sông Vu Gia, hay ở các vùng hạ du như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên…
Những cánh đồng hoa màu không còn màu xanh tươi tốt mà phủ đầy lớp bùn non, cây cối réo rũ. Đến giờ hàng trăm ha đu đủ, rau, màu vẫn còn ngập sâu trong nước hay ngỗn ngang hoang tàn.
Nét mặt buồn thiu, lội trong lầy lội, cầm lấy những dây khổ qua héo úa, bà Phan Thị Châu (68 tuổi) trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc thẩn thờ: “Hơn 3 sào rau, đậu, khổ qua của gia đình tôi qua bao ngày chăm bón cứ tưởng rằng qua 23/10 âm lịch là mọi việc an tâm, hết mưa lụt. Thế mà ai ngờ lũ dữ ập đến, tất cả đã bị nhận chìm, giờ thứ thì chết, thứ úa tàn, trắng tay rồi chú ơi!”.
Cùng cảnh ngộ với bà Châu là hộ của bà Huỳnh Thị Chín trú cùng thôn Bàu Tròn.
Bà Chín vừa khóc vừa nói: “Thủy điện xả lũ cùng ông trời mưa to, lũ lên nhanh quá, 10 sào rau nhà tôi chìm trong biển nước. Giờ chỉ biết hái mót những trái còn sót lại mang ra chợ bán mong kiếm được đồng nào hay đồng đó. Đầu tư gần 30 triệu đồng, nếu vụ mùa trúng sẽ thu hơn 100 triệu, giờ thì mất trắng rồi. Cả gia đình bốn miệng ăn biết lấy chi mà sinh sống đây”.
Không chỉ thôn Bầu Tròn mà ở các cánh đồng rau, màu nổi tiếng nhất Quảng Nam dọc bãi bồi ven sông Vu Gia của các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Lãnh, Đại Hưng thuộc huyện Đại Lộc, hay vùng hạ du như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên,… đã tan tành sau lũ.
Chứng kiến những đám rau xác xơ, úa tàn và cả những giọt nước mắt của người trồng rau, mới thấy nỗi đau đớn của người nông dân khi phải gánh lũ dữ, vì họ đã đầu tư biết bao tiền của, mồ hôi công sức, bỗng bị lũ dữ ập về cướp đi trong chốc lát.
Ở những vựa rau lớn này, có hàng ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất rau, màu. Hộ trồng ít thì vài sào, hộ trồng nhiều có thể lên cả mẫu.
Thời điểm trước xảy ra lũ, tất cả họ đã xuống giống. Ai cũng cầm chắc trong tay phần thắng, bởi yên tâm vì nghĩ qua 23/10 âm lịch rồi, không còn lụt nữa nên đầu tư đổ hết vào vụ rau cuối năm. Nhưng giờ cái lũ đã cướp sạch miếng cơm của nông dân. Nhiều người điêu đứng, rất cần được nhà nước hỗ trợ phân, giống để vượt qua thiệt hại rất lớn này.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong các đợt lũ, Quảng Nam đã có hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập. Một số địa phương bị thiệt hại nặng về rau, màu như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên…
Nhằm giúp người dân sớm ổn định nơi ăn chốn ở, ổn định sản xuất, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục rà soát để có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, do nguồn giống rau, đậu quá khan hiếm nên Quảng Nam cũng kiến nghị trung ương hỗ trợ về giống. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để Quảng Nam tiếp tục khắc phục lại những tuyến đường xung yếu.
Trong khi đó, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu cũng đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại hại ở những vùng trọng điểm rau, màu là thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc…
Những địa phương nói trên đã kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ giống để nhân dân tái sản xuất.
Đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, với mức khoảng 500 ngàn đồng/sào và cho rằng, hiện nông dân thiếu giống, mong tỉnh quan tâm hỗ trợ để kịp tái sản xuất.
Ông Thanh cho rằng, cần sớm có phương án hỗ trợ nhân dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Sở NN&PTNT lên phương án tối ưu để hướng dẫn các địa phương trong việc lựa chọn giống. Trong đó ưu tiên những loại giống ngắn ngày, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
“Tỉnh sẽ hỗ trợ tiền, không hỗ trợ về giống, phân bón. Mục đích để người dân có kinh phí chủ động trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp nhất với từng hộ, từng vùng, địa phương” - ông Thanh nói.
Đồng thời, ông Thanh cũng nhấn mạnh: Các địa phương nên linh động sớm trích một phần kinh phí để hỗ trợ trước cho người dân trong khi đợi kinh phí từ tỉnh chuyển về. Nhất định không để người dân thiếu giống sản xuất!
Thực tế hiện nay cho thấy, người dân không chỉ trắng tay sau lũ mà họ đang thiếu cả giống đề tái sản xuất. Do đó, sự vào cuộc của UBND tỉnh và chính quyền các cấp giúp dân có giống sản xuất trong lúc này là việc làm cấp bách.
Xin lấy ý kiến bà Huỳnh Thị Chín để kết thúc bài viết này: “Chúng tôi đã đổ mồ hôi, công sức sản xuất vụ rau, đó cũng là nguồn sống của gia đình, nhưng giờ lũ đã cướp sạch, biết trách ai, bắt đền ai bây giờ. Chỉ mong rằng Nhà nước sớm hỗ trợ cho bà con chúng tôi, làm sao giúp chúng tôi sớm có giống, có phân bổi để ổn xuất, có cái mà sống!”.
Một số hình ảnh sau lũ:
Bà Phan Thị Châu cho rằng: “Bây chừ rau thứ chết, thứ úa tàn, trắng tay rồi chú ơi!”.
Những ruộng bắp của người dân ngã la liệt do lũ dữ quét qua.
Những ruộng rau nhiều nơi chỉ còn lại bùn đất.
Lũ rút đi nhưng ruộng đu đủ của người dân vẫn còn chìm trong biển nước.