Phố đi bộ hồ Gươm: Tiếp tục thí điểm tới giữa năm 2017
Sau 4 tháng thực hiện, không gian phố đi bộ hồ Gươm đã dần thân thuộc với người dân và khách du lịch. Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm tuyến phố đi bộ này đến hết 30/6/2017.
Không gian đi bộ thân thiện
Buổi sớm ở không gian phố đi bộ hồ Gươm. (Ảnh: Minh Quang).
Theo Ban chỉ đạo tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Gươm, thời gian qua phố đi bộ đã góp phần quảng bá hình ảnh một Thủ đô văn hiến. Lượng du khách trong và ngoài nước, nhân dân đến tham quan và tham gia các hoạt động tại không gian đi bộ trung bình ban ngày khoảng 3.000 người 5.000 người; vào các buổi tối lượng khách khoảng 15.000 người đến 20.000 người. Riêng lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú tăng nhanh. Trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng gần 1,4 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhằm hoàn thiện không gian phố đi bộ, mới đây UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội”. Cũng từ hội thảo này, người ta đã nhìn thấy rõ hơn những cái được và chưa được của phố đi bộ Hà Nội hiện nay.
Theo đó, cung đường quanh hồ Gươm vài năm gần đây đã rơi vào tình trạng đông nghẹt xe máy vào cuối tuần. Khi tắc đường, ô nhiễm tấn công đến hồ Gươm. GS Kim Donyum, thành viên Ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Đại học Sungkyunkwan thẳng thắn chia sẻ, ông có đọc một vài số liệu phân tích cho biết Hà Nội đang trở thành thành phố ô nhiễm khá nặng, khu phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm có sự phát triển khá hỗn độn trong thời gian dài, phương tiện cá nhân quá nhiều. Tất nhiên việc chuyển từ xe máy sang phương tiện giao thông công cộng không dễ.
Nhưng thành phố cần có tầm nhìn hướng Hà Nội trở thành một thành phố thân thiện. Còn KTS Nguyễn Nga, người từng đề xuất dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên với UBND TP Hà Nội góp ý: Hà Nội nên tính tới phương án xử lý rác thải. Hội An không thể xanh và sạch như hôm nay nếu thiếu công nghệ xử lý rác thải. Hội An chính là một mô hình mà Hà Nội có thể tham khảo và học tập. Đô thị này đã biết khai thác di sản và dần tiến hướng đến phát triển theo hướng thành phố sinh thái.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) chia sẻ, ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong gia tăng giá trị văn hoá, kinh tế, xã hội và môi trường cho đô thị. Ông cũng cho rằng sự thành công của phố đi bộ Hội An là bài học về sự cam kết của lãnh đạo và sự tham gia của cộng đồng, với các giải pháp sáng tạo hài hoà với thiên nhiên. Do đó Hà Nội cũng sớm tính đến những điều này.
Cùng với đó, những lợi ích từ phố đi bộ cũng được nhìn thấy rõ. Đơn cử như khi mới triển khai phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm, nhiều hộ kinh doanh đã bị ảnh hưởng. Thậm chí những người dân sinh sống trong khu vực phố cổ hoặc quanh hồ Gươm coi đó như sự phiền hà. Nhưng qua một thời gian triển khai, các siêu thị gần hồ Gươm đông khách hơn rất nhiều. Người dân cũng được hưởng lợi từ môi trường sống ít ô nhiễm trong những ngày cuối tuần bởi giảm được tiếng ồn và khói bụi từ phương tiện cá nhân.
Dẫu vậy các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng những thay đổi nên xuất phát từ chính cộng đồng dân cư. Nếu người dân thực sự muốn gìn giữ không gian chung thì mọi chuyện sẽ thúc đẩy nhanh hơn. Song chỉ người dân quyết tâm thôi chưa đủ, thành phố cần đề ra những qui định phù hợp với sự phát triển. Về lâu dài, nếu có qui hoạch tốt để người dân chuyển đổi thì mọi việc sẽ vận hành tốt hơn.
Chăm chút nghệ thuật công cộng
Các chuyên gia nhắc đến một trong những giải pháp đầu tiên cho không gian đi bộ Hà Nội là yếu tố thị giác, hiện nay xung quanh khu đi bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu này. Ông Park Kyoung-Chul, Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm dùng nghệ thuật cộng đồng cải tạo không gian sống tại làng bích hoạ Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam. KTS Đoàn Kỳ Thanh lấy ví dụ tạo ra sự hấp dẫn, cải thiện nét đặc trưng khu vực qua các dự án nghệ thuật cộng đồng. Ông cũng đưa ra một vài gợi ý để biến phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí trở nên sinh động hơn. Chẳng hạn có tạo hình con voi cầm cuốn sách. Vỉa hè quanh các khu phố này nên được lát gạch phát quang có dòng chữ “xin chào”.
Được biết hiện Hà Nội cũng đã có sự trợ giúp của một nhóm các KTS giỏi và nhiệt huyết với Thủ đô để khảo sát, nghiên cứu về một không gian bích họa trong lòng phố cổ. Đó có thể là khu vực vỉa hè phố Phùng Hưng. Dự án đang từng bước được triển khai. Hi vọng không gian bích họa ấy sẽ làm cho phố cổ sống động hơn, hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP cho biết Hà Nội không tổ chức phố đi bộ quanh hồ Gươm vào dịp Tết Đinh Dậu 2017.