Sinh viên khởi nghiệp: Không ảo tưởng

An Nhiên 22/12/2016 10:35

Chuẩn bị tâm thế như thế nào để bắt đầu khởi nghiệp. Kinh nghiệm từ những người đã khẳng định được tên tuổi của mình trong các dự án khởi nghiệp hiện nay sẽ là bài học cho những ai đang muốn dấn thân vào con đường này.

Nguyễn Hải Ninh, Phạm Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Tùng giao lưu
với sinh viên ĐH Ngoại Thương về chủ đề khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp đang được khuyến khích. Tuy nhiên hơn 80% doanh nghiệp phá sản trong 3 năm đầu tiên. Mặc dù vậy, khao khát được làm chủ đã khiến nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên hoặc sẵn sàng từ bỏ những chỗ làm “ngon ăn” trong các công ty lớn.

Đừng ảo tưởng về tiền bạc, thời gian và công danh

Là cựu sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, ngay từ năm thứ 3 đại học, CEO Hoàng Tùng – người sáng lập chuỗi cửa hàng Pizza home đã khởi nghiệp bằng công việc dịch thuật. Đây là bước đệm đầu tiên trên con đường khởi nghiệp của anh. Với starup Viet Kitchen – một nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài, dù không thành công nhưng Hoàng Tùng không nản chí mà bắt tay vào starup thứ 2 Indochina Traveland. Khởi nghiệp thành công, doanh thu tăng nhanh chóng, sau đó ước tính khoảng 20 tỷ đồng/năm.Với sự nhạy cảm trong kinh doanh, Hoàng Tùng nhìn thấy cơ hội ở lĩnh vực đồ ăn nhanh và Pizza Home ra đời.

Từ những thất bại đầu tiên trên con đường kinh doanh, Hoàng Tùng chia sẻ, hằng năm có rất nhiều dự án khởi nghiệp song khả năng thành công lại không cao bởi rất nhiều người ảo tưởng về khởi nghiệp. Ảo tưởng đầu tiên là tiền bạc. Khởi nghiệp thành công sẽ kiếm được tiền nhưng không thành công thì mất rất nhiều tiền. Thứ 2 là khi đã có nhiều tiền thì doanh nghiệp tự chạy và mình có thời gian đi chơi, tận hưởng mọi thứ.

Điều này cũng sai bởi những người khởi nghiệp ban đầu làm việc rất vất vả, thời gian 16-18 tiếng/ngày khi thành lập doanh nghiệp là bình thường. Sai lầm thứ 3 là nghĩ khởi nghiệp rất oai, thành giám đốc có vị thế. Nhiều người bỏ vị trí nhân sự trong một công ty lớn nhưng khi ra khởi nghiệp, dù giữ chức danh giám đốc nhưng lại phải làm tất cả mọi việc. Ở công ty lớn nói nhân viên nghe nhưng khi ra ngoài khởi nghiệp, công ty mới thành lập có thể nói nhân viên không nghe.

Ra trường với tấm bằng cử nhân báo chí nhưng Phạm Thị Ngọc Hạnh- quản lý thương hiệu mảng hotpot của chuỗi nhà hàng Golden Gate Group lại đi theo con đường kinh doanh. Bắt tay khởi nghiệp bằng từ những việc nhỏ nhất đó là bí quyết thành công của Hạnh. Đôi khi các bạn trẻ mới ra trường cứ nghĩ mình sẽ lập kế hoạch nọ, chiến dịch kia nhưng có khi công việc của bạn chỉ là chỉnh một quả bóng không đúng thiết kế. Các bạn trẻ nhìn vào ngành maketting sẽ thấy sự hào nhoáng nhưng khi bắt đầu công việc thì sẽ có rất nhiều thứ khiến bạn bất ngờ. “Ở Golden Gate, các bạn không nghĩ sinh viên một trường tốp đầu khi đi thực tập lại phải ngồi gọi điện hỏi ý kiến khách hàng có hài lòng hay không? Bọn em có bằng cử nhân cơ mà, bọn em là trường tốp 1 của Việt Nam cơ mà. Tại sao lại phải làm công việc này? Nhưng các bạn phải làm những công việc đó để hiểu khách hàng của mình muốn gì?”, Ngọc Hạnh chia sẻ.

Trước câu hỏi, là ông chủ, anh đã từng đẩy xe đi bán chưa? CEO Pizza Home đồng thời là người sáng lập của chuỗi Coffe Bike Hoàng Tùng thẳng thắn: “Đẩy xe đi bán cà phê là chuyện rất bình thường. Nếu các bạn chưa sẵn sàng làm việc đó thì các bạn chưa thể khởi nghiệp được”.

Giá trị của khởi nghiệp

CEO Hoàng Tùng cho rằng, khi mình khởi nghiệp phải xác định mình muốn mang giá trị gì đến cho xã hội, ví dụ giấc mơ của Coffe Bike là làm sao đưa trải nghiệm cà phê sạch đến cho mọi người. Mỗi điểm xe sẽ tối ưu đầu tư cà phê. Cà phê chọn sẽ chọn cực kỳ chuẩn. Trước khi mình khởi nghiệp thì mình phải trả lời câu hỏi, mô hình kinh doanh của mình sẽ mang lại gì cho xã hội chứ còn nếu chỉ là lợi nhuận thì sẽ không bền vững.

Đây cũng chính là những gì Nguyễn Hải Ninh- đồng sáng lập chuỗi cà phê Urban Station và sáng lập chuỗi The Coffe House tâm niệm. Triết lý kinh doanh của ông chủ trẻ này là làm mọi thứ để khách hàng cảm thấy hạnh phúc. Chính vì vậy, cần tạo ra không gian để khách hàng cảm thấy gần gũi, tạo ra được đội ngũ nhân viên thân thiết với khách hàng. “Mở quán đầu tiên là vì khách hàng sau là đến nhân viên.

Ví dụ phòng IT có 7 người tương đương với công ty thu nhỏ. Họ đứng sau thu tiền… Có họ hệ thống nhanh hơn thay vì mất 20s thì chỉ mất 15s để thanh toán, để nhân viên cảm thấy thoải mái hơn. Điều lệ công ty xây dựng vì con người, chia sẻ thành quả lao động của nhân viên. Năm 2016 chốt sổ, Coffe House dành 9 tỷ cho nhân viên, phân phối từ bảo vệ công ty. Họ được bảo hiểm, nghỉ ngày phép… Đó là cách để nhân viên lúc nào cũng yêu quý công ty…”- Top 30 under 30 do Fobes bình chọn trải lòng.

Có những thất bại tránh được

Nhiều người nghĩ “thất bại là mẹ thành công” nhưng có những thất bại hoàn toàn có thể tránh được nhờ học được từ người đi trước, đọc từ sách. Tránh được thất bại thì tốt hơn là vấp thất bại. Tốt nhất tránh được thất bại trong khởi nghiệp bởi mỗi một lần thất bại trong kinh doanh mình sẽ mất nhiều thứ, tiền, thời gian, một mô hình kinh doanh mở ra không chết luôn, tầm 6 tháng - 2 năm mới chết hẳn, đáng lẽ thời gian đó mình làm cái khác. Tổn thất tâm lý rất lớn”, anh Hoàng Tùng chia sẻ.

Ở Việt Nam chưa có những khóa học nào xuyên suốt về khởi nghiệp và những người khởi nghiệp thì rất khổ vì phải tự lần mò, tự trải nghiệm thất bại rồi đứng lên. Ông chủ Pizza Home Hoàng Tùng cho rằng, những bạn sinh viên đang có ý định khởi nghiệp không thiếu cơ hội học hỏi. Có những hội thảo kinh doanh, khởi nghiệp, có cái gọi là khởi nghiệp tinh gọn vừa làm vừa tinh chỉnh ở quy mô nhỏ rồi lớn lên dần. Ở đây có nhiều người đã mắc sai lầm đi hỏi bạn bè khi mới khởi nghiệp vì thường bạn bè không có kinh nghiệm. Cách thứ 2 là mọi người học từ những người khởi nghiệp thành công, đã từng trải qua thất bại, học từ sách thì giảm thiểu rủi ro. Đừng ngừng học hỏi.

Anh Hoàng Tùng nêu kinh nghiệm, hãy lập một nhóm để cùng khởi nghiệp mà ở đó các thành viên có những kĩ năng bổ trợ cho nhau nhưng lại phải có cùng tầm nhìn. Cuối cùng sòng phẳng với nhau về tài chính ngay từ ban đầu. “Có những doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng sau nhập nhèm về tài chính nên tự vỡ. Đó là cách đi cùng nhau lâu dài trên con đường khởi nghiệp”.

An Nhiên