Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số: SOS
Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vừa tổ chức hội thảo thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Hà Nội. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần sớm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào để họ đủ sức độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập.
Cần cấp bách bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo ông Nông Quốc Bình- Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN, bảo tồn văn hóa đối với mỗi dân tộc thiểu số phải là trung tâm, nếu không bảo tồn văn hóa, dân tộc đó sẽ thụ động, tự ti sẽ dần mất đi những giá trị cốt lõi của dân tộc mình.
Ông Bình cho hay trong mấy chục năm qua công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào cũng đã được quan tâm. Nhiều di sản văn học của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Nùng… đã được sưu tầm, dịch, xuất bản. Nhiều điệu múa, làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc đã được sưu tầm, chỉnh lý, phát huy tác dụng trong đời sống văn hóa. Nhưng sự bảo tồn này vẫn tự phát chủ yếu do các dân tộc tự gìn giữ, phát huy mà thiếu sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa ở các cấp.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Bình- Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường chia sẻ, người dân tộc thiểu số đang dần tước bỏ đi những gì họ cho rằng lỗi thời, lạc hậu. Giờ đây họ thay đổi về trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đang tự hướng theo lối sống của người phương Tây, thích nhảy các điệu nhảy du nhập từ bên ngoài vào hơn là đánh cồng chiêng, múa xòe. Đôi khi họ còn thấy xấu hổ với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình mà chạy theo các trang phục mốt mới.
PGS.TS Lê Ngọc Thắng- nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc chia sẻ: Việc di chuyển, tái định cư đã khiến những nét văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số có nhiều thay đổi. Đơn cử như việc xây thủy điện ở Sơn La đã làm đảo lộn cuộc sống của các dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo các đại biểu, để bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số cần thống nhất giữa khái niệm văn hóa truyền thống và truyền thống văn hóa. Đặc biệt phải tổng kiểm kê các di sản văn hóa từng địa phương trên phạm vi toàn quốc; nghiên cứu một cách sâu sắc về giá trị của từng nhóm, từng loại di sản văn hóa để đề ra phương thức bảo tồn hiệu quả.
Ông Hoàng Tuấn Cư- Hội VHNT Hà Nội đề nghị, cần đào tạo nhân lực nòng cốt cho vấn đề này. Cần gắn bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế trên địa bàn đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Chính phủ, UBND các tỉnh cần có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc, đặc biệt dân tộc ít người. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn trong đó khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa trên địa bàn.