Sao phụ nữ bị bạo hành lại phải 'tạm lánh'?

Lê Bảo 23/12/2016 09:50

“Nhà tạm lánh” được ví như là ngôi nhà bình yên cho phụ nữ khi bị bạo hành, song theo GSTS. Lê Thị Qúy – chuyên gia về bạo lực gia đình (BLGĐ) - mô hình này còn hạn chế. Đó là nạn nhân thì phải được đem đi “giấu” ở nhà tạm lánh khiến họ cảm thấy bản thân có lỗi, còn thủ phạm thì lại vô tư nhởn nhơ.

Nhiều khoảng trống

Tuy chưa phát triển với quy mô lớn, song từ lâu cụm từ “Nhà tạm lánh” đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những phụ nữ bị bạo hành.

Là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam, GS Lê Thị Quý cho rằng, việc chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết mất rất nhiều thời gian, nên cần lắm những địa chỉ tin cậy, giúp các nạn nhân lánh nạn tạm thời, sau đó các cơ quan chức năng và cộng đồng chung tay hỗ trợ.

Tìm hiểu ở nhiều nước trên thế giới, GS Quý cho rằng, phương pháp duy nhất hiệu quả là mô hình “Nhà tạm lánh” có sự quản lý của Nhà nước.

Hiện có 2 nhà tạm lánh tên là Nhà Bình yên dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và phụ nữ bị buôn bán trở về.

Qua gần 10 năm vận hành, mô hình này đã giúp đỡ được cho hơn 900 nạn nhân, thường là những trường hợp nghiêm trọng.

Đa số họ được giúp đỡ hiệu quả và tái hòa nhập cộng đồng tốt. Bởi đa phần phụ nữ lúc bị đánh đập thường chạy về nhà cha mẹ đẻ, hoặc sang nhà hàng xóm.

Mà về với cha mẹ đẻ thì thường sẽ bị đưa trả về, còn trốn ở nhà hàng xóm thì khi người chồng sang dọa nạt, sợ mang tiếng lại phải về và tiếp tục chịu đánh đập.

Đánh giá vai trò của Nhà tạm lánh đem lại, tại tọa đàm về cơ chế hỗ trợ liên ngành cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức mới đây, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, đối với nạn nhân bị bạo hành thì Nhà tạm lánh được xem là bến đỗ giúp họ ổn định được tinh thần, đồng thời khi tới nhà tạm lánh họ sẽ được tư vấn, chia sẻ để tìm giải pháp tháo gỡ.

Thế nhưng, có không ít nạn nhân được đưa đến nhà tạm lánh trở về lại bị cộng đồng, gia đình kỳ thị và coi là “bỏ nhà đi”, nhiều người bị ngăn cản tiếp cận con cái... Thảm cảnh đó khiến nhiều nạn nhân chỉ âm thầm chịu đựng.

Tuy nhiên GS Lê Thị Quý cho rằng, mô hình này còn nhiều hạn chế, thậm chí “ngược đời”.

Theo GS Quý, để giữ an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình trước kẻ gây bạo lực, người ta đã phải thực hiện việc “giấu kín nạn nhân” khiến nạn nhân cảm thấy bản thân có lỗi. Trong khi đó, thủ phạm gây ra bạo lực thì lại nhởn nhơ và thấy mình không có lỗi gì.

“Ở Philippines, người gây bạo lực gia đình sẽ bị cách ly khỏi gia đình và nạn nhân thì được bảo vệ ngay tại nhà. Còn ở Việt Nam chúng ta lại áp dụng quy trình “ngược”, đây chính là hạn chế trong việc giải quyết các vụ bạo lực gia đình so với các nước khác” - GS Quý nhấn mạnh.

Cần sự “bảo lãnh” của chính quyền

Bà Tạ Thị Minh Lý – Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phản ánh, chưa Tòa án nào ra quyết định cấm thủ phạm tiếp xúc nạn nhân như quy định của pháp luật, chính quyền, Công an, Hội Phụ nữ tại địa phương cũng chưa vào cuộc.

Chính quyền địa phương thường không muốn xác nhận để đưa nạn nhân BLGĐ đến các cơ sở hỗ trợ mà chỉ yêu cầu phải có ý kiến của chồng nạn nhân – người gây bạo lực.

Bên cạnh đó theo Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL), quy định các cơ sở “tạm lánh” giúp đỡ nạn nhân BLGĐ không quá ba ngày.

Theo một số chuyên gia, thời gian hỗ trợ như vậy là quá ít, thiếu uyển chuyển, trong khi đó một số cơ sở hỗ trợ lưu trú 15 ngày đến hai tháng, tùy từng trường hợp có thể hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Trước những hạn chế của việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, ý kiến các chuyên gia cho rằng, cần có tổ chức hỗ trợ tại cộng đồng, dựa trên sức mạnh cộng đồng để giải quyết ngay các vấn đề tại cộng đồng và giảm thiểu chi phí cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ.

Đồng thời rất cần sự “bảo lãnh” của chính quyền địa phương nếu không các địa chỉ tin cậy chỉ là hình thức. Cùng với đó, Nhà nước phải có hỗ trợ thực tế, truyền thông phải đi trước và chính quyền cần bảo hộ tích cực cho các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ.

Lê Bảo