Bao giờ có lại ngày xưa?
Vụ khủng bố ở khu chợ Giáng sinh tại trung tâm thủ đô Berlin của nước Đức, vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc một số nghi can khủng bố bị bắt giữ ở Thuỵ Sỹ và nước Đức cũng như chiến dịch truy lùng nghi can chính của vụ khủng bố ở Berlin trên khắp châu Âu đã khuấy động tâm lý lo ngại về an ninh dịp Giáng sinh và Năm mới ở châu Âu.
Chiếc xe tải gây án (màu đen) tại hiện trường vụ tấn công ở Berlin. (Nguồn: Bild).
Hai dịp lễ này có ý nghĩa tâm lý và tâm linh rất quan trọng đối với người dân ở châu Âu và có giá trị chính trị cũng như văn hoá, nếu như không muốn nói đến cả ý thức hệ, rất to lớn đối với họ. Vậy mà cả tâm trạng lẫn tâm thế để chào đón và vui mừng về hai dịp lễ này trong năm nay lại đều bị u ám.
Những gì đã xảy ra từ trước đến nay và đặc biệt trong những ngày vừa qua ở nhiều quốc gia châu Âu đã buộc người dân trên châu lục này phải luôn ý thức về nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Khủng bố không những không còn là chuyện không tưởng hay xa vời hoặc chỉ năm thì mười hoạ đối với châu Âu nữa mà đã trở nên luôn tiềm tàng, luôn có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu vào bất cứ khi nào và dưới cả những hình thức không ai có thể ngờ đến được.
Không phải chỉ riêng năm nay mà chắc sẽ còn cả trong một thời gian nữa, người dân trên châu lục đón chào và vui mừng những ngày lễ với niềm vui nhưng cũng cả với ước vọng "Bao giờ có lại ngày xưa?".
Thủa xưa ấy thật chưa biết đến khi nào mới có lại được bởi nguy cơ khủng bố và nhu cầu đối phó khủng bố làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của con người và xã hội, cả công khai lẫn thầm lặng, cả chính thức lẫn không chính thức, cả ở nơi công cộng lẫn tại chốn riêng tư.
Khủng bố thách thức nhà nước và thử thách người dân về bản lĩnh và trí tuệ ứng phó, về sự đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ xã hội, về khoan dung và vị tha trong quan hệ giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo, về quyết tâm đẩy lùi cái tàn bạo và vô nhân đạo.
Hiện tại rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, nhưng cũng còn cả chính vì thế mà châu Âu không được từ bỏ ước vọng trên.