Xây dựng pháp luật: Hạn chế tình trạng 'nước sôi đợi gạo'
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2016, tuy nhiên tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với vai trò “gác cửa”, thẩm tra, ngành Tư pháp cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế . Bên cạnh đó việc làm luật quan trọng ở chất lượng chứ không phải được bao nhiêu luật. Đặc biệt, phải khắc phục được thực trạng “nước sôi đợi gạo”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phú.
Nhiều chuyển biến tích cực
Nhìn lại công tác năm 2016, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, đã cùng các Bộ, ngành giúp Chính phủ xây dựng, trình QH thông qua 12 luật, nghị quyết; (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật và cho ý kiến với 3 luật khác); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1.087 văn bản (tăng 84 văn bản so với năm 2015), trong đó có 144 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh.
Toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 11.885 dự thảo VBQPPL (tăng 24,7% so với năm 2015), trong đó có 5.298 dự thảo VBQPPL do các Sở Tư pháp và 5.417 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định; Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang Bộ đã thẩm định 880 văn bản; Bộ Tư pháp đã thẩm định 291 dự thảo VBQPPL và 92 điều ước quốc tế.
Đặc biệt, Bộ đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với việc đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công tác hộ tịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2016, được các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện và có nhiều khởi sắc.
Năm 2016, cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.880.068 trường hợp (giảm 87.491 trường hợp, tương đương giảm 4,44% so với năm 2015), đăng ký khai sinh lại cho 564.200 trường hợp (tăng 8,92% so với năm 2015) và có 4.867 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài…
Nghiêm cấm lợi ích nhóm
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Tư pháp năm 2016. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác xây dựng pháp luật có tiến bộ nhưng nhìn chung, pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.
Việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa hiệu quả, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút. Khi đề xuất làm luật, chưa xác định được nội hàm văn bản, gây khó khăn cho quá trình soạn thảo.
Nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình trạng để Quốc hội phải “bắc nước chờ gạo, nước đã sôi mà vẫn chưa thấy mang gạo tới”, Thủ tướng nhấn mạnh làm luật rất khó, nên cần nỗ lực để không rơi vào tình trạng bị động. Đặc biệt việc làm luật quan trọng là ở chất lượng chứ không phải là làm được bao nhiêu luật.
“Điều đáng buồn là Bộ luật Hình sự phải tạm dừng hiệu lực do có gần 100 sai sót phải sửa đổi. Đây là điều chưa có tiền lệ. Chính vì vậy tại Hội nghị này, chúng ta phải thẳng thắn trao đổi để qua đó, rút kinh nghiệm chung, tìm ra bài học để khắc phục, đặc biệt là rà soát để sớm báo cáo Thường vụ Quốc hội” - Thủ tướng nói.
Từ những hạn chế trên, Thủ tướng cho rằng, với vai trò “gác cửa”, thẩm tra ngành Tư pháp cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế. Theo đó phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của chương trình xây dựng pháp luật.
Khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý là “nay rút, mai lùi”. Làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này” - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong thời đại Internet, Facebook, Zalo, Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu tiêu cực. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở chỉ đạo Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến thảo luận của lãnh đạo địa phương, Bộ, Ngành Tư pháp xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện trong năm 2017 như: Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017- 2020; tham mưu giúp Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế,…