Liên kết để phát triển

Thanh Giang 24/12/2016 11:10

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn mang lại sự kỳ vọng là một vùng kinh tế đầy tiềm năng. Tuy khẳng định vai trò, vị thế đối với nền kinh tế đất nước, nhưng sau hơn 20 năm thành lập, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh - thành vẫn chưa thoát khỏi phát triển thiếu bền vững. Trao cơ chế hợp lý, gia tăng sự liên kết và tương tác hỗ trợ giữa các địa phương vẫn đang là vấn đề cần kiến giải nhằm phát huy tương xứng tiềm năng khu vực kinh tế này.

Tuyến cao tốc TP HCM - Dầu Giây - Long Thành.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Diện tích của vùng này chiếm 9,2% diện tích cả nước, dân số chiếm 17,7% cả nước nhưng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tạo ra khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia và trên 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có ý nghĩa sống còn nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác có hiệu quả nguồn lực, chuyển giao công nghệ, tái cấu trúc công nghiệp gắn với công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù nỗ lực phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách khá lớn song vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bộc lộ nhiều hạn chế.

Tính đến thời điểm hiện nay tính liên kết vùng hoàn toàn chưa hình thành, các tỉnh vẫn độc lập về kinh tế, tài chính,… Đặc biệt, kết nối giao thông – cầu nối giúp các tỉnh phát triển nhưng vẫn thể hiện sự độc lập, riêng lẻ. Giao thông giữa các tỉnh với TP HCM chưa thật sự thông thoáng. Đơn cử, tỉnh Tây Ninh tắc nghẽn với thành phố ở quốc lộ 22, Long An với thành phố nghẽn ở quốc lộ 50, Bình Dương bị ách tắc ở quốc lộ 13 và đoạn nút giao Gò Dưa…

Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm chạp triển khai mặc dù có sự chấp thuận theo quy hoạch phát triển vùng như: đường cao tốc TP HCM đi Tây Ninh, cao tốc TP HCM đi Cần Thơ, đường sắt TP. HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bàn về kết nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, kết nối vùng trước hết là kết nối giao thông. Kết nối giao thông phải xác định trên cơ sở lợi ích vùng, gồm kết nối cứng và mềm. Kết nối cứng gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, logictis… Kết nối mềm gồm thể chế chính sách phải liên thông trong vùng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ… Yêu cầu là thế song bất cập hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang rất yếu so với đòi hỏi thực tế để phát triển.

Không riêng gì kết nối về hạ tầng giao thông, nói là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng vùng không có quỹ đất chung, không có ngân sách chung, thậm chí không có cơ chế, chính sách chung. Nói chung cả vùng cũng chẳng có tài sản chung nào đáng chú ý, đáng quan tâm và tạo điều kiện cho vùng phát triển mạnh hơn.

Theo PGS. TS Đinh Phi Hổ - Trường Đại học Kinh tế TP HCM, tiền đề thực hiện liên kết vùng phải là tài sản chung. Trong đó, các địa phương phải khai thác và sử dụng được. Không có tài sản chung sẽ rất khó xây dựng vùng kinh tế trọng điểm. Nói về tài sản chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lãnh đạo các địa phương cho rằng, tìm tài sản chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như “mò kim đáy biển”.

Nhiều ý kiến nhận định, thực chất vùng kinh tế trọng điểm chỉ mới là sự khoanh vùng theo phạm vi địa lý tự nhiên, còn sự phát triển của mỗi thành viên trong vùng vẫn là riêng lẻ, không có sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng với nhau.

Rõ ràng sự bất cập về cơ chế quản lý điều hành vùng kinh tế trọng điểm đã được các nhà nghiên cứu và quản lý ở địa phương phát hiện và lên tiếng từ rất sớm. Trước đây, nhiều ý kiến đã phản ánh tình trạng mạnh ai nấy làm trong vùng kinh tế trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Chinh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng phân trần, 7 năm nay chỉ lập quy hoạch rồi ngồi lại đánh giá mà không có chương trình hành động cụ thể và những việc làm cụ thể để phát triển kinh tế vùng. Rất nhiều thành viên trong vùng đến nay cũng không biết ai làm, ai thực hiện những giải pháp đó. Tất cả đều cùng “quân hàm” nhưng không có sự phối hợp.

Đại diện TP HCM cũng nhận định, vùng có quy hoạch nhưng vẫn mạnh ai nấy làm mà không có sự gắn kết, thậm chí ngay trong ngành công nghiệp cũng còn có phân biệt giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương.

Thiếu kết nối, không tài sản chung, chính vì vậy mà xuất hiện tình trạng các tỉnh trong vùng đều nỗ lực xin cơ chế riêng. Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương ví von: “Chúng ta có 64 tỉnh – thành thì có 64 nền kinh tế riêng biệt của từng tỉnh. Các tỉnh ở gần nhau nhưng không gác chân lên nhau làm sao sinh con, đẻ cái được”. Theo ông Trần Đình Thiên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển cao nhất, liên kết mạnh nhất mà không liên kết được chắc chắn không thể phát triển.

Nói về hiệu quả liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Ngô Đông Hải – Phó ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nỗ lực cao nhưng hiệu quả của liên kết vùng còn hạn chế vì có những khó khăn, trong đó có ba vấn đề cực kỳ khó khăn. Khó khăn nhất là quy định pháp luật về tổ chức chính quyền, luật ngân sách,... không cho quyền tài chính, hành chính trung gian.

Thứ hai, hiện nay mỗi tỉnh là nền tài chính độc lập. Các tỉnh đang bị sức ép lớn về hoạt động phát triển như: tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu, đảm bảo mức sống của người dân cao hơn. Thứ ba, độ chín muồi về quy mô, trình độ bắt buộc phải liên kết nên trong thời điểm này chưa vượt qua được. Đây chính là những yếu điểm không đưa liên kết vùng vào thực tiễn được.

Vấn đề đặt ra hiện nay là giải pháp hữu hiệu cho quá trình liên kết và phát triển vùng nhằm tạo sức bật cho 8 tỉnh – thành. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” chủ động kết nối giữa các ban chỉ đạo với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng thời, điều phối liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm vì mô hình Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng vẫn mang tính chất như một câu lạc bộ. Cần có Hội đồng vùng mang tính trực tiếp, cụ thể để có thể thay đổi được thực trạng mạnh ai nấy làm như từ trước đến nay. Song song đó, từng địa phương trong vùng phải nâng cao trách nhiệm, vị trí mang tính đột phá hướng đến sự phát triển.

Tỉnh nào cũng được giao nhiệm vụ phát triển cụ thể, xây dựng cơ chế hiệu quả của địa phương gắn với vùng, cơ chế của vùng này phải như đặc khu kinh tế. Sắp tới các tỉnh - thành sẽ tiếp tục đề xuất cơ chế thu hút đầu tư với những ngành công nghệ cao, đầu tư hạ tầng gắn với vùng chứ không phải từng địa phương một như thời gian qua.

Ngày 23/12, TP Hồ Chí Minh, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tổ chức Hội thảo về cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam. Hội thảo đánh giá và thừa nhận vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển nhưng vẫn chưa có hiệu quả cao. Kinh tế toàn vùng phát triển thiếu bền vững vì không có sự gắn kết với với nhau. Lãnh đạo 8 tỉnh – thành và các nhà khoa học mong muốn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sớm có cơ chế, chính sách riêng; sớm có tài sản chung thông qua quỹ đất và ngân sách nhằm tạo động lực cho vùng phát triển. Bên cạnh đó cần có hạt nhân là TP. HCM để thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển.

Thanh Giang