Đất rừng bị lấn
Còn nhớ, trận lụt lịch sử ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đầu tháng 11 khiến nhiều người bàng hoàng. Ai nấy đều bất ngờ nước sông Hiếu dâng lên quá nhanh, nhiều người trở tay không kịp. Và nguyên nhân quan trọng đầu tiên mà người ta nghĩ đến là chuyện mất rừng.
Rừng phòng hộ Tiểu khu 775.
Nóng từng ngày
Tới Cam Lộ, sẽ thấy người dân bàn tán nhiều về chuyện đất rừng và chuyện Công ty lâm nghiệp Đường 9 đang ráo riết thu hồi khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.
Một doanh nghiệp có vốn điều lệ nhà nước 100% được giao quản lý và sử dụng hơn 4.000 ha rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ bỗng hốt hoảng thông báo thất thoát theo thống kê sơ bộ gần cả 1.000 ha rừng, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, còn lại là rừng sản xuất khiến ai nấy thất kinh. Câu chuyện đã trở nên rất nghiêm trọng và căng thẳng.
Ông Nguyễn Hồng Thái- Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đường 9 ta thán về tình trạng xâm lấn rừng và đất rừng của người dân trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Trả lời câu hỏi vì sao lại để xảy ra thất thoát rừng và đất rừng với diện tích lớn như vậy mà bây giờ công ty mới vào cuộc? ông Thái trả lời: Thời gian qua đơn vị cũng đã có một vài biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở nhưng không hiệu quả nên phải nhờ chính quyền can thiệp. Lực lượng công an cũng đã được huy động vào cuộc nhằm giải tỏa điểm nóng.
Chúng tôi lại tìm gặp những người dân đang trồng rừng và hoa màu trên đất được coi là của công ty. Đưa cánh tay chỉ về khu vực rừng trồng phía bắc sông Hiếu, ông Trần Văn Thiệu cho biết, hàng chục hộ dân ở xã Cam Thành đã canh tác từ lâu, có người đã sang chu kỳ thứ hai trong thu hoạch thì đột nhiên được tin thu hồi đất.
Ông nói :”Khi chúng tôi làm không hề thấy lực lượng nào ngăn cản, kể cả lâm trường (Công ty lâm nghiệp Đường 9 hiện nay), có người làm hơn chục năm trời rồi. Nay bỗng dưng họ đòi lại đất, thật là vô lý! Chúng tôi cày đường, khai hoang phục hóa rồi trồng cây bao lâu nay vì nghĩ đất đai để trống thì dân mình tận dụng khai phá, trồng rừng kiếm cơm. Nay nói thu hồi khác nào lấy mất nồi cơm của dân”.
Một người khác, ông Mai Văn Pháp cũng bức xúc không kém: “Đất rừng bỏ trống, chúng tôi ở gần thấy thế vay tiền, bỏ công làm ăn mong xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nay nói thu hồi đất thì khác nào đẩy chúng tôi trở lại đói nghèo”. Ông Trần Minh Dũng nói thêm: “Tiếng là ở rừng nhưng xung quanh là các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nên đất canh tác bình quân mỗi gia đình chỉ có một vài sào đất vườn. Người dân sống chủ yếu nhờ rừng trồng. Bây giờ thu hồi đất thì làm đủ ăn cũng đã khó, nói chi đến chuyện vươn lên khấm khá”.
Khu vực xã Cam Thành theo báo cáo của Công ty lâm nghiệp Đường 9 bị xâm lấn một diện tích rừng phòng hộ hơn 65 ha. Khi doanh nghiệp này dùng biện pháp mạnh cho bảo vệ công ty hộ tống xe ủi phá luôn hoa màu và cây rừng của dân thì vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân.
Xung đột đã xảy ra và doanh nghiệp phải nhờ đến chính quyền huy động lực lượng công an can thiệp tình hình mới tạm yên. Vậy là sự tranh chấp đất rừng trở nên quyết liệt giữa người dân với Công ty lâm nghiệp Đường 9.
Kể lại chuyện này, anh Ngô Nhật Huynh còn đưa cả clip mà người dân quay được bằng điện thoại cầm tay cảnh máy ủi phá hủy cây trồng của họ ra để làm chứng.
Vượt sông Hiếu rồi lội rừng, chúng tôi đến điểm nóng xảy ra tranh chấp. Người dân chỉ cho thấy những cây tràm họ trồng cách đây hơn mười năm còn sót lại sau khi khai thác. Thân cây khá lớn chứng tỏ việc trồng rừng đã diễn ra trong nhiều năm nay một cách công khai.
Đến với xã Cam Tuyền, địa bàn theo báo cáo của chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Đường 9 thì có đến hơn 250 hộ dân xâm lấn một diện tích lên đến 875 ha rừng, trong đó có hơn 150 ha rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền khẳng định dân ở đây trồng rừng từ năm 1977, 1978 trước cả khi lâm trường Đường 9 ra đời.
Nay Công ty lâm nghiệp Đường 9 họp dân nói thu hồi đất thì bà con cả bốn thôn có rừng trồng trong khu vực này hầu hết không đồng tình.
Còn ông Phạm Văn Thành thì ưu tư: “Thôn Tân Lập chúng tôi có đến 90% số hộ đã trồng rừng ở đây từ lâu lắm rồi mà cũng không thấy ai nói gì. Nay vào năm 2016 Công ty lâm nghiệp Đường 9 đòi thu hồi đất thì thật làm khó cho dân. Tôi đề nghị Nhà nước phải có cách gì đó để đảm bảo đời sống cho dân”.
Vẫn còn ước tính hơn 50 ha rừng sản xuất bị người dân xâm lấn theo báo cáo của Công ty lâm nghiệp Đường 9.
Người dân xã Cam Thành tại khu vực tranh chấp.
Vì đâu nên nỗi?
Chúng tôi đã chuyển thông tin về thất thoát rừng và đất rừng đến với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị. Sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị- ông Hà Sỹ Đồng đã có công văn chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý tình hình xâm lấn rừng và đất rừng của Công ty lâm nghiệp Đường 9. Một cuộc họp đã diễn ra với sự tham gia của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Cam Lộ và các xã liên quan.
Tại cuộc họp này, đại diện các ngành và địa phương huyện Cam Lộ đều có chung cảm nhận phát hoảng khi nghe báo cáo của doanh nghiệp chủ rừng diện tích xâm lấn quá lớn lên đến gần 1.000 ha.
Và họ cũng đặt ra câu hỏi về tìm nguyên nhân sự việc. Chính ông Nguyễn Hồng Thái cũng đã thừa nhận Công ty lâm nghiệp Đường 9 đã yếu kém trong công tác quản lý rừng và đất rừng trong thời gian qua mới để xảy ra tình trạng xâm lấn nói trên.
Ông Nguyễn Thế Hiếu, PGĐ Sở TN&MT có ý kiến rằng công ty sắp tới cần làm rõ việc xâm lấn đã xảy ra bao lâu rồi mà diện tích lên đến cả ngàn ha. Ông Hiếu bộc bạch: “Qua nghe báo cáo cáo của Công ty lâm nghiệp Đường 9 thấy diện tích rừng bị xâm lấn đến gần cả ngàn ha thì tôi thấy hoảng. Tình hình như thế là nghiêm trọng”. Và theo ông, công ty cũng cần làm rõ việc có tay trong là công nhân lâm trường cũng sai phạm trong xâm lấn đất rừng hay không để xử lý nghiêm.
Ông Lê Văn Quý- Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì cho rằng, trước hết phải xác định rằng Nhà nước giao rừng và đất rừng cho công ty quản lý và sử dụng nên trách nhiệm chính phải thuộc về công ty.
Do công ty quản lý, bảo vệ không bài bản nên mới xảy ra hậu quả. Ví dụ dân người ta dựng lều trại trong rừng khai hoang cả ha đất mà công ty bảo không biết thì đúng là không chấp nhận được.
Ông Quý còn nói thêm, theo Luật thì nếu phá rừng phòng hộ với diện tích chỉ cần 3.000 mét vuông là có thể khởi tố vụ án. Như vậy chỉ tính riêng diện tích rừng phòng hộ thất thoát ở huyện Cam Lộ cũng đã lên đến hàng trăm ngàn mét vuông và cũng chưa thấy ai bị xử lý hình sự.
Ông Lê Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ khẳng định, do Công ty buông lỏng quản lý trong một thời gian dài và không loại trừ việc có sự tham gia người của công ty trong chuyện xâm lấn đất rừng. Công ty phải xử lý nghiêm từ trong nội bộ của mình.
Từ đó chính quyền mới có thể có những biện pháp hỗ trợ công ty thu hồi đất. Việc này cũng cần phải có lộ trình và không hề đơn giản.
Ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã nhìn nhận tình hình xâm lấn dẫn đến thất thoát rừng và đất rừng là do chủ rừng quản lý còn lỏng lẻo, các cơ quan thừa hành pháp luật xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm, chưa quyết liệt, việc xử lý những nguyện vọng bức xúc về đất đai của người dân chưa được quan tâm đúng mức.
Như vậy, sự việc xảy ra thật sự nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi nói đến chuyện khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi đất rừng của Công ty lâm nghiệp Đường 9 thì cần có sự vào cuộc để thanh tra, kiểm tra chuyện thất thoát đất rừng, kể cả với những cán bộ đã về hưu.
Từ đó xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể cũng như làm rõ việc có hay không vai trò của cán bộ, công nhân công ty hay bàn tay của các “đại gia” trong xâm lấn đất rừng như dư luận đã và đang rộ lên.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc xử lý thất thoát rừng vẫn chưa có bước tiến nào được ghi nhận. Tất cả vẫn im lặng. Vì sao?
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, thì ngày 5-10 chính quyền tỉnh này đã có công văn 4078/UBND-TCD gởi Sở NN&PTNT yêu cầu kiểm tra ý kiến công dân phản ánh việc phá rừng phòng hộ, báo cáo UBND tỉnh. Trước đó,trong buổi tiếp công dân định kỳ vào tháng 9/2016, ông Đào Văn Lưu, trú tại thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phản ánh việc phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 775 thuộc địa bàn miền núi huyện Cam Lộ. Ông Lưu cũng đã đề nghị UBND tỉnh xử lý 22 biên bản vi phạm đến rừng phòng hộ vẫn chưa được giải quyết. Được biết khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn này thuộc địa bàn thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ do Công ty lâm nghiệp Đường 9 được Nhà nước giao cho quyền quản lý và sử dụng. |