Nền nông nghiệp năng động: Hóa giải áp lực

Minh Phương (thực hiện) 25/12/2016 09:56

Trước sức ép hàng hóa nhập khẩu, trong đó có cả các mặt hàng nông sản, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chúng ta cần xây dựng một nền nông nghiệp năng động, Nhà nước nên tăng kiến tạo, giảm chi đạo. Đồng thời cũng cần tìm ra giải pháp hóa giải áp lực, để tăng tính cạnh tranh.

Nền nông nghiệp năng động: Hóa giải  áp lực

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

PV: Bà có thể nêu khái quát về bức tranh thị trường nông sản hiện nay?

Bà Phạm Chi Lan: Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đã đưa ra những quan điểm rất đúng đó là tăng giá trị, giảm đầu vào. Nông nghiệp Việt Nam không thể làm theo cách cũ, tiêu tốn quá nhiều nguồn lực để có được tăng trưởng.

Giá của tiêu tốn nguồn lực đó là làm tiêu hao tất cả tài sản, nguồn lực của xã hội. Đồng thời làm cho ngay cả công sức, nguồn lực của người nông dân, phải bỏ ra rất nhiều mà không được trả thích đáng.

Tăng giá trị, giảm đầu vào là phương châm xuyên suốt của tái cơ cấu nông nghiệp. Nhưng trong đó phần tăng giá trị, giảm đầu vào có phần doanh nghiệp và nông dân phải làm, các nhà khoa học, các nhà công nghệ phải sát cánh cùng nông dân.

Còn đối với Nhà nước cần phải tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo- có nghĩa là phải giảm các chỉ đạo trực tiếp, quy hoạch đất đai cứng và quá dài.

Chẳng hạn, quy hoạch đất cho sản xuất lúa. Nước ta dành quá nhiều đầu tư cho sản xuất lúa trong khi lúa gạo ở Việt Nam lại đang thừa để đáp ứng an ninh lương thực, thừa xuất khẩu ra thị trường thế giới đến mức xuất với giá rẻ, nhiều khi còn thấp hơn giá thành nếu tính đầy đủ các nhân tố như đất, nước, thủy lợi.

Trong đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo vừa rồi, chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động giảm dần đất đai giành cho lúa gạo để chuyển sang những loại cây khác.

Tuy nhiên, Nhà nước phải tạo cơ chế linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng hay chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây khác. Những cái đó Nhà nước phải làm.

Giảm vai trò của Nhà nước còn phải ở việc không duy trì các DN nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta đã duy trì quá lâu tập đoàn cao su và sử dụng, tiêu tốn bao nhiêu diện tích đất để trồng cao su trong khi giá cao su đang giảm mạnh trên thị trường thế giới.

Chúng ta vẫn duy trì quá nhiều nông trường, dù là các nông trường đó đã được trao lại cho các gia đình, nhưng vẫn còn một diện tích đất đai rất lớn không được sử dụng hiệu quả.

Nhà nước cũng phải giảm đi những can thiệp nhiều vào giá cả. Những can thiệp như vậy không mang lại hiệu quả, thay vào đó là những cơ chế khuyến khích thật tốt cho DN và nông dân yên tâm làm ăn lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tới đây, các sản phẩm nông sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% nhờ cam kết Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực. Bà có dự báo gì về tương lai của nông sản Việt trước xu thế này?

- Chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ chịu nhiều sức ép, bởi thị trường Việt Nam vẫn có nhu cầu về đa dạng sản phẩm. Việc các sản phẩm bên ngoài vào với giá rẻ hơn sẽ dễ khiến người tiêu dùng mua những sản phẩm đó. Ở đây, giá rẻ nhưng không đi cùng những công cụ về hàng rào kỹ thuật cần thiết, chứng minh được tính an toàn.

Nhiều trường hợp hàng hóa bên ngoài vào Việt Nam, người tiêu dùng nói “bẩn”, không bảo đảm an toàn, nhưng cơ quan kiểm định vẫn khẳng định “đã kiểm tra, không có vấn đề gì” và điều này như một cách khuyến khích người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm.

Trong khi đó, với sản phẩm trong nước, mỗi một việc nhỏ đều bị phê phán. Tôi còn nhớ năm ngoái, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có nhận định rằng, phần lớn sản phẩm của Việt Nam là sạch, không bẩn như báo chí nêu, và chính việc thông tin kiểu này đã gây hàm oan cho những người làm nông sản Việt.

Công bằng mà nói, trong nông sản Việt cũng có một vài sản phẩm bẩn. Nhưng nhiều khi chúng ta nói một sản phẩm bẩn cũng có nghĩa đánh đồng tất cả những sản phẩm cùng loại trên thị trường đều bẩn.

Sở dĩ có thực trạng này cũng là do Nhà nước chưa có công cụ, thông tin hợp lý để người tiêu dùng hiểu: Thực phẩm bẩn do ai làm, chỗ nào làm và nếu tẩy chay chỉ tẩy chay đơn vị vi phạm.

Chuyện nước mắm vừa qua là ví dụ điển hình về chuyện gây phản ứng ngược đối với sản phẩm trong nước, đồng thời giúp cho các sản phẩm bên ngoài chiếm lĩnh thị trường, đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng.

Chúng ta đã giảm hàng rào cho hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam. Trái cây, gạo… của Thái Lan đang cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam trên thị trường nội địa. Bây giờ, thêm dòng sản phẩm của Trung Quốc, tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều, tạo sức ép lớn đối với thị trường trong nước và hàng nông sản của Việt Nam.

Hàng Trung Quốc vào Việt Nam đã thành cam kết và thực hiện chung cho cả ASEAN. Vấn đề bây giờ là chúng ta không thực hiện cam kết theo kiểu một chiều, phải kiểm soát hàng hóa ngay từ bên ngoài. Đối với trong nước, phải giảm sức ép, tạo điều kiện cho thị trường và nhà sản xuất trong nước vượt lên.

Trong bối cảnh nông nghiệp tăng trưởng thấp, mở cửa, bà có cho rằng nông sản Việt sẽ chịu thêm áp lực?

- Mở cửa là tất yếu và mở cửa sẽ tạo thêm cạnh tranh và sức ép mới cho phát triển nông nghiệp. Nhưng sức ép đó cũng có thể biến thành cơ hội. Không có cách nào khác, nếu không thay đổi, nông nghiệp không thể tồn tại được.

Nông dân nếu vẫn sản xuất theo cách cũ: manh mún, tự phát, hóa chất và thuốc sâu… sản phẩm sẽ không được thị trường trong nước chấp nhận, chưa nói đến các nhân tố cạnh tranh từ bên ngoài.

Cách làm nông nghiệp mới là phải truy xuất được nguồn gốc, cho nên rất cần chuỗi giá trị. Trong chuỗi phải phân công rành mạch ai làm, làm gì, và làm với chuẩn nào…

Chuỗi ở đây không chỉ liên kết mà còn phải đặt ra những cái chuẩn tương thích trong quá trình làm. Nếu tạo được chuỗi liên kết, khi sản phẩm ra thị trường có cơ thắng hơn rất nhiều so với những người làm đơn độc, không tuân thủ những quy định xã hội và người tiêu dùng đòi hỏi.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bà nghĩ gì khi hàng nước ngoài có xu hường vào Việt Nam tăng lên?

- Cơ chế của Việt Nam là quá mở. Điều này khuyến khích các nước bán hàng vào Việt Nam, khuyến khích cả những thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh.

Nhưng nếu chúng ta có ý thức, tạo dựng được sự phát triển trong nước sẽ bớt đi nhập khẩu, giảm nhập siêu. Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý nhà nước phải có những điều chỉnh, kể cả bằng hàng rào kỹ thuật, cần thiết và hợp lý, phù hợp với các cam kết chung cũng như tăng nội lực, tăng sức mạnh cho nông dân, cho những nhà sản xuất Việt Nam.

Minh Phương (thực hiện)