Bao giờ mới có 'lá bùa hộ mệnh'?

Việt An 25/12/2016 09:00

Theo nghiệp thể thao luôn đối mặt với nguy cơ chấn thương rất lớn. Chính vì thế, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giống như một “lá bùa hộ mệnh”, giúp các VĐV yên tâm hơn mỗi khi thi đấu hay cả khi giải nghệ. Tuy nhiên, trong giới VĐV, rất ít người được cấp thẻ BHYT, ngay cả họ là tuyển thủ quốc gia.

Bao giờ mới có 'lá bùa hộ mệnh'?

Chỉ một động tác sai là có thể dính chấn thương.

VĐV vật Nguyễn Thị Lụa đã được lên bàn mổ để xử lý chấn thương dây chằng đầu gối. Toàn bộ chi phí của VĐV người Hà Nội đã được Tổng cục TDTT cũng như đơn vị chủ quản chi trả.

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng Lụa đã có thẻ BHYT chưa bởi sắp tới cô sẽ phải tiến hành phẫu thuật những chấn thương phức tạp hơn, đồng nghĩa với việc chi phí lớn hơn, những nhà quản lý môn vật đều né tránh trả lời vấn đề này.

Thực ra câu chuyện “lá bùa hộ mệnh” BHYT không phải mới gì. Suốt nhiều năm qua, các VĐV dù là ĐTQG cũng không có BHYT. Chỉ những trường hợp vào biên chế mới được cấp, nhưng số này thì đếm trên đầu ngón tay.

“BHYT là gì hả anh, gần chục năm theo nghiệp VĐV, em chưa biết BHYT là gì”, đó là câu trả lời của hầu hết các VĐV khi được chúng tôi hỏi về vấn đề BHYT. Theo các VĐV này, việc mong muốn có BHYT là một chuyện, nhưng có được cấp hay không lại là chuyện khác.

Một VĐV ở đội tuyển wushu (xin giấu tên) cho biết: “Ở đội tuyển wushu chỉ có mình tôi có thẻ BHYT. Lý do bởi tôi chính thức vào biên chế của ngành. Còn theo tôi biết các VĐV khác, kể cả tuyển thủ quốc gia đều không có BHYT, chứ đừng nói các VĐV trẻ”.

Cũng theo VĐV này, thể thao là nghề có tính đặc thù, với môn wushu lại càng có đặc thù đặc biệt. Chỉ cần một động tác sai, là có thể đứt dây chằng đầu gối, gãy xương, nghỉ thi đấu cả năm trời.

Các VĐV hầu hết đều xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nếu không có BHYT, sẽ mất nhiều tiền mỗi khi chữa trị chấn thương hay đơn giản chỉ là nằm viện vì đau ốm.

Một VĐV khác ở môn vật chia sẻ: “Tôi được biết nhiều ngành nghề khác đều có thẻ BHYT, nhưng với VĐV lại không thì thực sự khó hiểu. Không có BHYT, các VĐV liệu có phấn đấu hết mình trên sàn tập với nguy cơ chấn thương rình rập?”.

Được biết, nếu VĐV được gọi lên tuyển mà bị bệnh hay dính chấn thương, họ sẽ chi tiền chữa trị, chủ yếu tại bệnh viện chuyên ngành. Tuy nhiên, khi trở về địa phương, chỉ một vài nơi thực sự quan tâm tới sức khỏe của các VĐV, còn hầu hết tự phải lo lấy thân.

Với những VĐV có thành tích cho Quốc gia may ra còn được chữa trị hay chăm sóc ở những bệnh viện lớn, còn những VĐV khác chưa có tên tuổi gì, nếu bị chấn thương trong lúc tập luyện, thi đấu cũng không biết kêu ai vì không được mua BHYT.

Những nguyện vọng rất nhỏ và chính đáng của các VĐV cứ kéo dài hết năm này qua năm khác và họ cũng chẳng biết bao giờ mình mới được cầm chiếc thẻ BHYT trong tay.

Các VĐV lên tiếng về sự thiệt thòi khi không có BHYT, còn ngành thể thao cũng trăn trở rất nhiều với vấn đề này những năm qua. Trong khả năng của mình, ngành thể thao chỉ biết làm tốt nhất có thể để hỗ trợ cho các VĐV, còn chuyện cấp thẻ BHYT lại là sự vào cuộc của nhiều ban, ngành.

Việt An