Đừng gây áp lực

Nhật Tân 25/12/2016 10:15

Đi học về con gái hớn hở khoe, mẹ ơi thầy giáo bảo thi học kỳ I xong rồi cho các con nghỉ 2 ngày xả hơi. Rồi nó cứ tấm tắc khen thầy tâm lý, rằng cả trường chỉ có mỗi thầy Toán là như thế chứ cô Văn, cô Anh vẫn bắt học như bình thường. Học chính rồi lại học thêm, cứ thế này chẳng biết bao giờ mới hết học mẹ nhỉ? Con bé hỏi rồi nói luôn, tuần vừa rồi chuẩn bị thi học kỳ nhiều hôm con mệt lắm nhưng không dám nói với mẹ…

Nghe con nói mà giật mình!

Hồi đầu năm, tại buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm cảnh báo: “Lên lớp 6, lịch học của con sẽ thay đổi rất nhiều, các cháu không còn thời gian rảnh rỗi như cấp I.

Đặc biệt phải chú trọng vào 3 môn Toán, Văn, Anh không thì khó đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mà như thế, theo lời cô sẽ thiệt đủ đường, nhất là khi tính điểm cộng để thi vào cấp III.

Thế là một cuộc chạy đua diễn ra với cả 40 học sinh cũng như các bậc phụ huynh trong lớp. Ngoài học chính, học tăng cường ở trường, nhiều bố mẹ còn săn tìm thầy giỏi để bổ sung kiến thức các môn Toán, Văn, Anh cho con.

Lịch học của các con kín cả tuần. Căng nhất là những ngày gần kỳ thi học kỳ I. Bọn trẻ như một cỗ máy chạy theo sự vận hành của bố mẹ và thầy cô.

Nhiều lúc nhìn con mệt mỏi, thậm chí không muốn ăn uống sau cả ngày chạy sô với học chính, học thêm cũng thấy sót ruột, nhưng cứ nghĩ đến khuyến cáo của cô giáo thì đành nhắm mắt để rồi có lúc thấy thấy thật vô tình với những cảm xúc của con.

Nhân chuyện này tôi mới nhớ tâm sự của người thầy giáo cũ. Thầy chia sẻ rằng, bọn trẻ giờ vất quá, hơn cả người đi làm. Chưa tính các buổi học thêm do cả bố mẹ và thầy cô “nhồi nhét” thì lịch học trên lớp cũng quá căng so với lứa tuổi các cháu.

Ngày trước, sau 45 phút học là ra chơi 15 phút. Rồi trước khi bước vào tiết học chính cả lớp lại đồng ca hát một bài để tạo tâm lý vui tươi, thoải mái…

Còn giờ thì sao, sau 45 phút học, giờ nghỉ 5 phút các con phải ngồi yên một chỗ, không đùa nghịch, không nói chuyện. Sau đó lại bắt đầu tiết học mới. Cả một buổi học 3, 4 tiếng đồng hồ với các cháu như thế là quá căng thẳng...

Rồi thầy khuyên chúng tôi – những người đang làm cha, làm mẹ, đừng biến các con thành một cỗ máy biết làm toán, biết chép bài hay biết “ghi” những điểm 9, 10 để làm vừa lòng bố mẹ, rạng danh gia đình.

Não bộ của một đứa trẻ học cấp II vẫn còn đang phát triển. Tuổi này, các cháu cần được cân bằng giữa học và chơi. Hãy thay cho những ngày thứ bảy, chủ nhật ở lớp học thêm bằng những buổi dã ngoại, sân bóng ngoài trời hay những công viên với thảm cỏ, cây xanh để trẻ thỏa sức nô đùa, la hét…

Đó chính là cách để giúp bọn trẻ “reset” lại đầu óc sau một tuần học tập vất vả. Và có như vậy những tiết học của tuần tới mới thực sự hiệu quả.

Hôm nay, nghe con than thở chuyện học hành, nhìn khuôn mặt xanh xao gầy guộc của cháu… tôi mới ngẫm, lời thầy dạy thật thấm thía. Mọi sự cố gắng nhồi nhét kiến thức cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu trẻ không hứng thú với việc học. Tạo áp lực cho con sẽ vừa làm mệt con lại vừa căng thẳng cho mình.

Nhật Tân