Rốt ráo gỡ thủ tục thuế, hải quan

H. Hương 26/12/2016 09:35

Các doanh nghiệp đang rốt ráo thực hiện các thủ tục thuế, hải quan cuối năm. Trong khi đó cơ quan quản lý cũng cam kết, sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chính sách thuế.

Tạo môi trường kinh doanh tốt

Đại diện Công ty kinh doanh thiêt bị phụ tùng LPD chia sẻ, DN có nhập khẩu dây truyền độc quyền của Italia, trong dây truyền thiết bị có nhiều động cơ, nhưng trong tiêu chuẩn của Việt Nam, động cơ tiêu chuẩn của Italia lại không khớp với tiêu chuẩn Việt Nam. Do vậy, công ty thường xuyên phải tái xuất gây tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Trong năm 2016, chi phí tái xuất của LPD chiếm 40% chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp.

Còn ông Bùi Văn Ngộ, đại diện Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp cho biết, theo quy định, các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với những sản phẩm có tên trong danh mục mà Bộ Tài chính quy định, rất ít so với trên thực tế, số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp lên đến hơn 40.000 loại khác nhau.

Hiện nay Công ty này có rất nhiều máy móc, linh kiện được sản xuất ra với mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có tên trong danh mục của Bộ Tài chính nên vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, tên gọi của một số linh kiện, thiết bị trong danh mục cũng không thống nhất với tên thực tế của thiết bị. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kê khai thuế khiến họ không được hưởng các chính sách ưu đãi thuế chính đáng.

Đại diện Công ty đường Quảng Ngãi nói, công ty có nhiều nhà máy sản xuất, đặt ở nhiều địa phương khác nhau nên gặp khó khăn khi kê khai thuế của từng nhà máy và của cả công ty. Tuy nhiên, khi gửi các công văn đề nghị hỗ trợ thì Tổng cục Thuế và Cục Thuế từng địa phương lại có hướng dẫn khác nhau. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết làm thế nào cho đúng. Công ty đề nghị Tổng cục Thuế có sự chỉ đạo thống nhất về các thủ tục kê khai thuế theo ngành dọc ở tất cả địa phương.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ những chính sách thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Thăng hạng chỉ số giao lưu hàng hóa

Nhưng không chỉ mong muốn được gỡ khó về thuế dịp cuối năm, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, một số nhóm thủ tục gây thủ tục phiền hà nữa là hải quan với việc giải quyết khiếu nại, thời gian thủ tục thông quan hàng hóa. Trong đó thời gian xử lý quá dài và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết….gây mất thời gian cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam thăng 15 hạng so với năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và là một trong 4 nước hàng đầu của khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan). Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu còn 108 giờ; thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu còn 138 giờ…Chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ (cho cả nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ.

Theo đó, với mỗi lô hàng việc rút ngắn khoảng 30 giờ so với năm 2015 ước tiết kiệm được 75 USD chi phí chuẩn bị hồ sơ. Với 8 triệu lô hàng xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD.

Tuy nhiên có một số liệu đáng lưu ý cả nước mới có 36/280 thủ tục hành chính được đưa lên kết nối trên Cơ chế một cửa quốc gia, điều này khiến cho doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp.

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giải pháp mà Tổng cục Hải quan đưa ra là nữa là tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đồng thời kết hợp nhóm giải pháp quản lý. Tổng cục hải quan cử 4 đoàn kiểm tra công tác xuất nhập khẩu triển khai 2 khu vực. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu hiện có để phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế; Xuất xứ hàng hóa; Trị giá hải quan, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xác định và xử lý nợ...

H. Hương