Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với môi trường

Anh Vũ Ảnh: Thành Trung 26/12/2016 16:50

“Vấn đề đặt ra là phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Nhân dân sẽ giám sát, phát hiện các cơ sở vi phạm về môi trường, khi có phát hiện sai phạm thì thanh tra nhà nước mới vào cuộc để chỉ rõ sai phạm và có chế tài xử lý”.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2012-2016 và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; biểu dương các khu dân cư tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường ngày 26/12.

Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh.

Quang cảnh Hội nghị.

Hình thành thói quen bảo vệ môi trường

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, thực hiện Chương trình phối hợp số 20/CTPH-MTTQ-BTNMT giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT giai đoạn 2012-2016, nội dung phối hợp về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát động các phong trào thi đua phù hợp với từng tổ chức thành viên như Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh”, Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi nilon khi đi chợ”, Hội Nông dân với phong trào thực hiện nền nông nghiệp sạch… góp phần thay đổi nhận thức và hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người dân. Nhiều nơi đã lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.

Trong các năm 2013-2015, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; những vấn đề môi trường mà nhân dân nêu ý kiến như: các dự án khai thác đá, tận thu khoáng sản titan, tình trạng nhiễm mặn do sản xuất muối…

Hầu hết những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về ô nhiễm môi trường qua phản ánh của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã được các cấp chính quyền xử lý, giải quyết.

Nhân rộng các mô hình điểm

Tại Hội nghị, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT đã ký chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, hai bên phối hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng mới, nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thực hiện hình thức mai táng đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học.

Hai bên phối hợp vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng, thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, nhất là các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên với ngành TN&MT các cấp trong triển khai công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn và nhiều lãnh đạo tham dự Hội nghị.

Phân công rõ vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, công tác quản lý môi trường ngày càng tốt hơn, hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, bộ máy hành động quyết liệt hơn, hệ thống xử lý rải thải, nước thải tốt hơn.

Nhưng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng gia tăng, nỗi lo lắng của nhân dân ngày càng lớn, điều đó xuất phát từ thực tế quản lý môi trường ngày càng nhiều thách thức.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, kinh tế càng tăng trưởng thì chất thải càng tăng lên. Càng công nghiệp hóa, càng tăng trưởng thì chất thải ngày càng nhiều. Cùng với đó, dân số tăng nhanh: Mỗi năm tăng thêm 1 triệu dân. 1 triệu người dân là 1 triệu nguồn rác thải. Mức sống tăng thì các phương tiện phục vụ cũng tăng, số lượng ô tô, xe máy tăng mạnh, mỗi tuần tăng cả ngàn chiếc ô tô, vì thế nguồn thải ngày càng gia tăng một cách khủng khiếp. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường.

“Bộ máy quản lý của chúng ta thì lại không thể gia tăng, trong khi số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị ngày càng mở rộng. Với bộ máy thanh tra môi trường hiện nay, phải 100 năm chúng ta mới thanh tra hết số lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp...” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, vấn đề đặt ra là phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Nhân dân sẽ giám sát, phát hiện các cơ sở vi phạm về môi trường, khi có phát hiện sai phạm thì thanh tra nhà nước mới vào cuộc để chỉ rõ sai phạm và có chế tài xử lý. Đó chính là vai trò thanh tra, giám sát của nhân dân. Việc Mặt trận và ngành TN&MT tiếp tục ký kết chương trình giai đoạn 2016-2020 là để phát huy vai trò của nhân dân.

Về những giải pháp bảo vệ môi trường, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cần tiếp tục có những giải pháp để giảm chất thải, sản xuất sạch hơn, sống sạch hơn. Phải huy động nhân dân vào cuộc mạnh mẽ, đầu tư nguồn lực, tăng cường vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi trong cuộc sống. Cùng với đó, phải tăng cường giám sát các cơ quan, doanh nghiệp có nguồn xả thải.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cần xây dựng mô hình quản lý môi trường, trong đó cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một giải pháp tối ưu. Trong đó, cần phân công rõ vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể.

“Tổng liên đoàn lao động giám sát xả thải của các doanh nghiệp. Hội nông dân giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; đoàn thanh niên giám sát xử lý rác sinh hoạt của gia đình ở phường xã, khu dân cư. Hội phụ nữ giám sát việc xả thải, xả rác của chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ ăn uống, lò giết mổ. Tổng hội y học giám sát xả thải của các bệnh viện, cơ sở y tế. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật giám sát chất lượng nước của đô thị, địa phương. Hội cựu chiến binh giám sát việc khai thác khoáng sản, cát sỏi. Việc vận động người dân thực hiện hỏa táng giao cho các tôn giáo. Mặt trận phân công các đoàn thể để vận động nhân dân trồng cây, chủ trì để giám sát việc xả thải của các khu công nghiệp, dự án, công trình lớn…”, Người đứng đầu Mặt trận đặt vấn đề.

Mặt trận đề nghị ngành TN&MT hỗ trợ kinh phí để xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư bảo vệ môi trường. Hỗ trợ Mặt trận giám sát việc xả thải của các khu công nghiệp, dự án, công trình lớn, vận động người dân hỏa táng, tuyên dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với môi trường

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các khu dân cư tiêu biểu.

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao 35 Bằng khen của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho các khu dân cư và 23 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với môi trường - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn ký chương trình phối hợp.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các khu dân cư tiêu biểu.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen cho các khu dân cư tiêu biểu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Bằng khen cho các đơn vị xuất sắc.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với môi trường - 2

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn tại hội nghị.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với môi trường - 3

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu điều hành hội nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Anh Vũ Ảnh: Thành Trung