Sửa đổi Bộ luật Lao động 2012: Điều chỉnh chế độ tiền lương và bảo hiểm
Bộ LĐTB&XH đã chính thức có Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Theo Tờ trình, có khoảng 100 điều ở 15/17 chương sẽ sửa đổi, trong đó những quy định mới, những đề xuất điều chỉnh về chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội. Liệu lương tối thiểu theo luật mới có đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ? Chế độ bảo hiểm xã hội được điều chỉnh ra sao?
Tăng lương tối thiểu vùng không làm gia tăng thất nghiệp
Đây là khẳng định của ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công (Bộ LĐTB & XH) tại buổi giao lưu trực tuyến về Bộ Luật Lao động sửa đổi do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 27/12.
Theo ông Tống Văn Lai, mức lương tối thiểu là sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, trả lương. Khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì sẽ tác động đến chi phí lao động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm gia công, thủy sản, dệt, may.. (doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động). Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu có mối quan hệ với vấn đề việc làm, thất nghiệp. Nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng cao trong khi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ có khả năng tăng.
Trả lời câu hỏi khi nào lương tối thiểu đáp ứng được 100% nhu cầu của người lao động (NLĐ), ông Lai cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định là mức lương thấp nhất để trả lương. Các mức lương cao hơn thì do 2 bên thỏa thuận. Đồng thời Bộ luật Lao động cũng quy định mức lương tối thiểu được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Căn cứ vào quy định trên thì hàng năm Chính phủ đã tính toán các tác động đến đời sống của người lao động, kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp, tình hình việc làm của người lao động để xác định mức điều chỉnh hợp lý nhất. Mức lương tối thiểu hiện nay mặc dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn thì người lao động cần có sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá các tác động để khuyến nghị với Chính phủ mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cho phù hợp. Tuy nhiên, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là khái niệm trừu tượng và rất khó xác định. Vì vậy, trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến cũng điều chỉnh theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu, NLĐ sống khỏe nhờ lương?
Cùng với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhận được sự quan tâm của người dân. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình, bước đi và sẽ thực hiện từng bước một. “Trước hết đối với đối tượng làm việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại sẽ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay. Đối với các khu vực hành chính sự nghiệp có thể sẽ áp dụng trước, khu vực doanh nghiệp có nhiều người lao động trực tiếp có thể sẽ thực hiện sau một số năm. Nếu được Quốc hội quyết định thì cũng cần một vài năm để chuẩn bị về tâm lý xã hội trước khi thực hiện. Việc thực hiện sẽ theo lộ trình tăng dần, mỗi năm tăng thêm khoảng 3 hoặc 4 tháng, để đỡ tác động đến thị trường lao động và lực lượng lao động trẻ” – ông Huân nói.
Tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa đặt ra vấn đề về cải cách chính sách BHXH cho phù hợp. Về vấn đề này ông Huân cho rằng cải cách chính sách BHXH đặt ra nhiều mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là phải tăng độ bao phủ, đối tượng tham gia. Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Vì vậy cùng với việc tăng thêm số doanh nghiệp để chuyển lao động từ các khu vực khác vào khu vực có quan hệ lao động, có hợp đồng lao động thì chúng ta còn phải thực hiện bảo hiểm tự nguyện, cho các khu vực không có hợp đồng lao động. Mục tiêu thứ hai là phải xây dựng các chính sách bảo đảm cân đối quỹ BHXH theo hướng bền vững, đặc biệt là quỹ hưu trí.
Hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia BHXH đối với cả người lao động và người sử dụng lao động tổng cộng là 32,5%. Trong đó, tỷ lệ đóng BHXH hưu trí là 22%. Cho nên đây là một tỷ lệ khá cao nên không thể tăng thêm được nữa. Vấn đề nữa phải cân đối là mức lương tham gia BHXH. Hiện nay đang tiến dần đến quy định đóng BHXH trên tổng thu nhập. Ở nhiều doanh nghiệp, hiện mức để tính đóng BHXH chỉ chiếm từ 30-50% tổng thu nhập. Vì vậy cần phải tăng dần để mức tính đóng BHXH cho người lao động phải đạt 60-70%. Tuy nhiên khi tăng mức lương đóng BHXH lên thì cũng phải xem xét khả năng của doanh nghiệp và người lao động.