Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Thế mạnh chưa được phát huy
Chiều 27/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với mong muốn tìm ra giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế bền vững.
(Nguồn: Tiền Phong).
Vẫn mạnh ai nấy làm
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, những năm qua, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) đã và đang nỗ lực phấn đấu, phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng sẵn có về vị trí địa lý, du lịch, giao thông, y tế, nguồn nhân lực chất lượng cao..., để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác chủ yếu mới được triến khai ở lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm mà chưa xác định rõ vai trò của từng địa phương trong phối hợp phát triển của vùng. Thực tế, việc phối hợp triển khai thực hiện một số công trình ở địa bàn giáp ranh chưa được đấy mạnh triển khai. Việc rà soát, đôn đốc chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên. Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng chưa có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra những kiến nghị, đề xuất chung của vùng với Chính phủ, các Bộ, ngành về các cơ chế, chính sách để có những dự án ưu tiên tạo động lực cho sự phát triển chung.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng kinh tế Bắc Bộ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa tận dụng để phát triển. Chưa có sự liên kết thực sự, liên kết vẫn chỉ là phép cộng, lắp ghép rời rạc. Vùng chỉ là khái niệm mang tính hình thức. Để xảy ra tình trạng này theo ông Dũng, do thiếu vai trò chỉ huy của tư lệnh vùng khiến tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy phát triển. Sự liên kết vùng mới được đề cập đến mà chưa hình thành ý thức, tư duy vùng.
Ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông
Đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển vùng kinh tế trọng điểm thời gian tới, ông Toản cho biết, Ban Chỉ đạo điều phối vùng sẽ chù động hơn nữa trong việc đề xuất với Chính phủ các chương trình, dự án có tính chất liên kết giữa các tinh trong vùng như: lĩnh vực giao thông, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp... Đồng thời, đề xuất các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách TƯ để triển khai thực hiện các chương trình, dự án; chủ động tăng cường tiếp xúc, trao đối thông tin, kinh nghiệm hoạt động trong phối hợp, hợp tác giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng.
Ban Chỉ đạo điều phối vùng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện cơ chế liên kết vùng, trong đó tạo dựng hành lang pháp lý đẩy đủ cho các hoạt động điều phối, liên kết. Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ mang tính chất liên kết vùng nhằm liên kết các địa phương tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng: Kết nối giao thông là khó khăn nhất, vì vậy cần sự chung tay của cả vùng huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông cho phát triển. Đặc biệt cần có tuyến đường giao thông ven biển. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Về phát triển du lịch, ông Long cho biết, hiện Hà Nội đã hợp tác với CNN để quảng bá hình ảnh Thủ đô. Quảng Ninh cũng muốn kết nối để thu hút khách du lịch đến với cả vùng kinh tế.
Đồng tình đề xuất của Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, liên kết hạ tầng giao thông rất hạn chế. Hiện vận tải chủ yếu tập trung vào đường bộ khiến chi phí vận chuyển tăng cao đẩy giá mặt hàng lên. “Mất cân đối trong vận tải sẽ xảy ra nếu lưu thông hàng hóa chỉ dựa vào đường bộ. Cần đầu tư các tuyến đường khác như đường hàng không, đường sắt. Đặc biệt giao thông đường thủy cần tận dụng hơn nữa để phát triển”- ông Đông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng để nghị, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, có sự đồng thuận của các địa phương cho phát triển. Theo đó, phải cụ thể hóa các kế hoạch và có sự điều phối nhịp nhàng. Phải xác định mục tiêu thực hiện, tổ chức thực hiện và có giám sát. Phát triển cần tránh dàn hàng ngang, thiếu trọng điểm, xé nhỏ các mục tiêu, nguồn lực.