Sau lũ, giá rau tại miền Trung đắt hơn thịt
Lũ đã nhấn chìm các vựa rau lớn, ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi,… vốn là nguồn cung cấp rau, quả không chỉ ở miền Trung mà còn nhiều khu vực khác.
Tiểu thương Nguyễn Thị Ca cho rằng dù rau, quả đắt giá nhưng rất khan hàng đế bán cho người mua.
Giá cả tăng chóng mặt
Trong những ngày lũ, giá cả rau đã nhích lên thì sau lũ nó đã tăng lên chóng mặt. Rau xanh trên địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng,… hầu hết đều tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Cụ thể như đậu tây ngày thường giá 15 nghìn đồng/kg, thì nay đã lên 35 nghìn đồng/kg, cà chua tăng lên gấp đôi với giá 30 nghìn đồng/kg, ớt đã có giá 120-150 nghìn đồng/kg… Các mặt hàng như rau xà lách, rau cải cũng đang trong tình trạng tăng giá.
Sáng ngày 28/12, phóng viên Đại Đoàn Kết đã đi khảo sát nhiều chợ trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hiền khẳng định sau lũ giá rau, quả tăng rất cao.
Tại chợ Bình Hiệp thuộc xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tiểu thương Huỳnh Thị Nguyện (45 tuổi), cho hay: “Qua đợt mưa lũ vừa qua, giá hành tây tăng thêm 2 nghìn đồng/1 kg, chanh tăng 4-6 nghìn đồng/1kg. Đặc biệt, ớt tăng cao nhất giá 1kg/ớt chín có giá 100-120 ngàn đồng/1kg, ớt xanh có giá 80-100 ngàn đồng/1kg. Trong khi đó, hồi chưa xảy ra mưa lũ thì ớt chín chỉ có giá từ 10- 22 nghìn đồng/1kg. Điều đáng nói nữa là dù rau, quả đắt giá nhưng rất thiếu nguồn đế bán cho người mua”.
Còn tại chợ Trạm xã Tam hiệp, huyện Núi thành, tỉnh Quảng Nam, tiểu thương Nguyễn Thị Hiền (57 tuổi) cho biết: “Trước mưa lũ, giá cả các loại rau bình thương như: Rau xà lách 8-10 nghìn đồng/kg, rau thơm 3 nghìn đồng/1 bó, rau cải có 5 nghìn đồng/1 bó, rau má 20 nghìn đồng/kg, khổ qua 10-20 nghìn đồng/kg, dưa leo 8 nghìn đồng/kg… nhưng sau đợt mưa lũ các mặt hàng rau, củ quả trên đều tăng giá từ 5-20 nghìn/1kg, và tăng 5-15 nghìn đồng/1 bó”.
Tại các chợ ở TP Tam Kỳ, Nam Phước huyện Duy Xuyên, chợ Vĩnh Điện huyện Điện Bàn… giá rau tăng cao gấp hai lần.
Ngày thường rau mồng tơi 35 nghìn đồng giờ tăng lên 95 nghìn đồng/chục, rau cải xanh 45 nghìn đồng giờ lên 120 - 140 nghìn đồng/chục, kẹp rau muống từ 20 nghìn đồng tăng lên 35 nghìn đồng/kẹp. Ngoài ra, các loại rau ngọn bí, hành, ngò, húng, rau má, xà lách... cũng đều tăng giá.
Ngay cả thành phố Đà Nẵng, các chợ lớn như chợ Bắc Mỹ An, chợ Đống Đa, Chợ Cồn… rau xanh cũng tăng giá mạnh.
Cá biệt, một số loại rau, trái có giá tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường như ớt Đại Lộc từ 40 nghìn đồng/kg nay có giá lên đến 130 nghìn đồng/kg (tăng 3 lần), rau răm bình thường chỉ 15 nghìn đồng/kg, nay có giá 100 nghìn đồng/kg…
Sau lũ giá các mặt hàng rau, quả tăng chóng mặt.
Tăng giá rau đến Tết
Nhiều người dân ở khu vực miền Trung cũng khẳng định rằng: Không thể có đám rau, củ nào có thể chịu đựng đến 4 trận lũ từ tháng 11 đến tháng 12.
“Rau đã chết hết rồi, giống thời khan hiếm, Tết cận kề không thể nào xoay xở để sản xuất rau kịp. Đó là nguyên nhân gây nên giá cả tăng cao” - ông Nguyễn Đại Nam ở xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam khẳng định.
Trong khi đó, rau quả, củ nhập từ các nơi giá đã cao, còn chi phí vận chuyển tăng, khiến rau càng đội giá. Nhưng có một thực tế đắng lòng, dù giá rau ở các chợ tăng chóng mặt, nhưng tại các vựa rau còn sót lại sau lũ, mức thu mua của các đầu mối chỉ tăng nhẹ khoảng 1-2 nghìn đồng/kg rau các loại.
Theo tiểu thương Thái Thị Viên ở chợ TP Tam Kỳ, giá cả cá, thịt vẫn tạm ổn.
Vì nhu cầu cuộc sống, nên cho dù giá cả rau xanh tăng cao, thì sức mua của người tiêu dùng vẫn không hề giảm sút. Để giảm bớt gánh nặng chi phí khi mua rau, quả xanh mỗi ngày, nhiều người tiêu dùng tìm mua rau ở các siêu thị vì theo nhiều người, giá cả rau, củ, quả ở đây mềm hơn.
Tuy nhiên chủ yếu là rau, quả tăng giá chứ cá, thịt vẫn tạm ổn. Bà Thái Thị Viên (46 tuổi), tiểu thương bán cá ở chợ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau đợt mưa lũ vừa, giá các loại cá vẫn như nguyên như cũ không có tăng đột biến, như cá thu 150 ngàn đồng/1kg, cá đuối 55 nghìn đồng/1kg, cá hố, cá ngừ… cũng không tăng giá. Nếu trời nắng thì các tàu thuyền đi đánh bắt được nhiều hơn thì giá cá lại giảm xuống”.
Bà Trần Thị Lê rơi nước mắt trên ruộng rau của mình do bị lũ tàn phá.
Hiện nay, các hộ trồng rau đang tích cực gieo lại vụ mới, nhưng chỉ còn 1 tháng là đến Tết âm lịch, quá ít thời gian để rau phát triển và thu hoạch kịp. Do đó, theo nhận định của nhiều tiểu thương và người tiêu dùng, từ nay đến cận Tết, các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn phải tiếp tục nhập một lượng rau xanh khá lớn ở các nơi về tiêu thụ. Cho nên giá rau xanh vẫn sẽ giữ mức cao, thậm chí còn tăng mạnh hơn khi gần Tết Nguyên đán.