Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sắp tuyên bố lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria?

29/12/2016 09:15

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn áp dụng trên toàn lãnh thổ Syria dự kiến được áp dụng từ đêm ngày 28/12, giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, trong lúc chính quyền Ankara và Moscow đang thắt chặt quan hệ hợp tác nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Binh sỹ chính phủ Syria trong giờ giải lao tại thành phố Aleppo. (Nguồn: AFP).

Một kế hoạch nhằm mở rộng một lệnh ngừng bắn áp dụng ở thành phố Aleppo, được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận hồi đầu tháng nhằm dọn đường cho chiến dịch sơ tán nhân đạo, sẽ sớm được mở rộng ra phạm vi toàn lãnh thổ Syria, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/12 cho hay.

Nhưng cũng giống như các kế hoạch ngừng bắn mà Mỹ và Nga đạt được trước đây, thỏa thuận này sẽ không bao gồm các tổ chức khủng bố.

Cùng ngày, hãng tin AFP dẫn một nguồn tin từ phe nổi dậy Syria nói rằng chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn này cần phải được xác nhận bởi các nhóm nổi dậy và hiện vẫn chưa có thỏa thuận như vậy.

Nếu thành công, kế hoạch ngừng bắn này sẽ hình thành nên nền tảng căn bản cho các vòng đàm phán chính trị giữa chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe nổi dậy, dưới sự quan sát của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Astana, thủ đô của Kazakhstan.

Đến thời điểm chiều ngày 28/12, Nga và Thổ vẫn đang tiếp tục làm việc để biến lệnh ngừng bắn này có hiệu lực từ giữa đêm, ngoài ra không có thêm chi tiết nào khác.

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch ngừng bắn này đã được đàm phán ra sao và ở địa điểm nào, tuy nhiên Nga, Thổ và các đại diện đến từ phe nổi dậy của Syria đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán ở Ankara hồi tuần trước.

Đàm phán mới ở Astana

Cùng ngày, Hãng thông tấn Al-Jazeera của Qatar cho hay một cuộc họp mới cũng được lên kế hoạch tổ chức tại Ankara trong hôm 29/12, trong đó có sự góp mặt của các đại diện quân sự từ Nga và phe nổi dậy Syria.

Ankara và Moscow là hai thế lực hậu thuẫn các phe phái khác nhau trong cuộc nội chiến Syria, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách lật đổ chính quyền Tổng thống Assad và Nga là một đồng minh của chính quyền Assad. Tuy nhiên, cả hai nước đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ ở Syria trong nhiều tháng qua, đặc biệt là sau khi họ đạt được một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ trong mùa hè năm nay.

Kể từ đó, chính quyền Ankara không hề đưa ra phản ứng nào mà chỉ chứng kiến lực lượng chính phủ Syria, được hỗ trợ bởi không quân Nga, tiến đánh và giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo, đánh dấu thất bại nặng nề nhất của phe nổi dậy nước này kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Hiện nay, chưa có một ngày ấn định cho các vòng đàm phán mới ở Astana, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoai giao Nga, bà Maria Zakharova, nói rằng cuộc họp này mới chỉ đang ở giai đoạn lên kế hoạch. Vị quan chức nhấn mạnh rằng các vòng đàm phán mới sẽ không thay thế tiến trình hòa bình đã đạt được ở Geneva trước đây. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày càng thể hiện rõ sự mất kiên nhẫn của mình trước vai trò của Mỹ ở Syria.

Các lệnh ngừng bắn trước đây đều được thỏa thuận giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Và họ chỉ đạt được thành công rất hạn chế và rồi cuối cùng thất bại trong việc đưa ra một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài đã 5 năm qua.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng thể hiện quan ngại về việc liệu lệnh ngừng bắn mới có được áp dụng với tổ chức có tên Fateh al-Sham, một nhánh cũ của tổ chức khủng bố al-Nusra Front, hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ hết kiên nhẫn

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước đó, trong hôm 27/12, đã đưa ra một trong những đòn công kích nặng nề nhất của ông đối với chính sách Syria của Mỹ và phương Tây. Ông cáo buộc phương Tây không chỉ ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd - mà Ankara coi là nhóm khủng bố - mà thậm chí là cả tổ chức phiến quân IS.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tỏ ra tức giận về việc Mỹ sử dụng các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) như một đồng minh đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến chống IS dưới mặt đất. Ông Erdogan còn cho rằng phương Tây đang thất bại trong việc hậu thuẫn các chiến binh thân với họ để đánh duổi IS ra khỏi khu vực biên giới.

“Không may mắn thay, Geneva chỉ là điều trống rỗng. Đã bao nhiêu cuộc họp đã được tổ chức ở đó rồi? Và chả có kết quả nào đạt được” - ông Erdogan nói, ám chỉ về tiến trình hòa bình Geneva mà Mỹ khởi xướng.

Trong một diễn biến xảy ra cùng ngày, một cuộc phi cơ chiến đấu chưa được làm rõ đã tổ chức một vụ tấn công khiến ít nhất 22 thường dân thiệt mạng tại ngôi làng mà IS đang kiểm soát ở tỉnh Deir Ezzor. Cuộc nội chiến Syria, bùng phát từ năm 2011, tới nay đã kéo dài gần 6 năm và khiến hơn 310.000 người thiệt mạng.