Mâu thuẫn trong hồ sơ hưởng ưu đãi
Ông Nguyễn Minh Tuân (Thái Nguyên) bị tố cáo làm thủ tục, hồ sơ xét trợ cấp ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo đơn tố cáo của công dân địa phương gửi đến cơ quan chức năng các cấp: Ông Nguyễn Minh Tuân, sinh 1943, trú tại tổ dân phố 8, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã làm thủ tục, hồ sơ theo Nghị định 54/2006/ NĐ-CP, ngày 26/5/2006, của Thủ tướng Chính phủ để xét trợ cấp ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong vùng quân Mỹ có sử dụng chất độc hóa học nhưng đã bị “loại” ngay từ cơ sở với lý do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên sau đó, hồ sơ của ông Tuân đã “chạy” thẳng lên Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, ông Tuân được Hội đồng y khoa tỉnh xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 81% và được hưởng trợ cấp hàng tháng cùng người phục vụ gần 5 triệu đồng…
Sau khi có đơn tố cáo, ngày 16/9/2016, Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp làm việc với ông Tuân.
Ông cho biết: “Nhập ngũ tháng 2/1968; đơn vị C11, D9, E102, F308B, huấn luyện tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến tháng 4/1968 hành quân vào Quảng Trị. Ngày 15/4/1968 vào đến Quảng Trị, được biên chế vào C18, E18, F325, hoạt động chiến đấu đến tháng 8/1969, mắc bệnh hen suyễn được xuất ngũ với một bản gốc lý lịch khai ngày 29/9/1968, có ghi thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị”.
Tuy nhiên, theo phản ánh, những nội dung ông Tuân nêu trên không thuyết phục. Bởi, theo quy định của quân đội, ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các sư đoàn chủ lực (308, 325, 304, 320, 312.v.v) luôn được duy trì biên chế đủ quân số, đủ lực lượng binh chủng (Thông tin, Công binh, Trinh sát…) và tổ chức huấn luyện, sẵn sàng cơ động tăng cường cho các chiến trường theo lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh.
Vì vậy, sư đoàn 308 B vào Quảng Trị để chiến đấu, làm sao có thể “xé” C11 bộ binh (trong đó có ông Tuân là chiến sỹ bộ binh, không có nghiệp vụ thông tin) lại biên chế vào C18 thông tin, thuộc E18, F325(?).
Và, sau Tết Mậu Thân - 1968, Mỹ tăng cường không quân đánh phá miền Bắc rất ác liệt, nhằm ngăn chặn miền Bắc chi viện miền Nam. Việc cơ động sư đoàn 308 B (quân số tương đương 10.000 người), từ Vĩnh Phúc vào Quảng Trị chỉ có 15 ngày là điều…”hi hữu”(?).
Chưa hết, theo Văn bản số 2999/TTR-XKT ngày 10/11/2016, của Thanh tra Quốc phòng (Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên) phúc đáp công văn 1948/SLĐTBXH-TTR, ngày 26/10/2016, của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: “Từ tháng 2/1968 đến tháng 12/1968, đại đội 18, trung đoàn 18, sư đoàn 325, đóng quân ở Thanh Hóa. Từ tháng 1/1969 đến tháng 8/1969, đại đội 18, trung đoàn 18, lữ đoàn 325 đóng quân tại xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định”.
Như vậy, giải trình của ông Tuân với Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên mâu thuẫn với công văn 2999. Vì ngày 15/4/1968, ông Tuân cho biết được “biên chế vào C18, E18, F325 tại Quảng Trị”, trong khi như công văn 2999 cho biết, đơn vị này đóng quân tại Thanh Hóa. Và, càng “vênh” với nội dung ông Tuân khai trong lý lịch ngày 29/91969 “có thời gian chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị”; trong khi đó, từ tháng 1 đến tháng 8/1969, sư đoàn 325 hoạt động ở tỉnh Bình Định.
Thế nhưng không hiểu sao Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên lại có văn bản Kết luận 2236-KL-SLĐTBXH ngày 6/12/2016, trả lời đơn thư công dân, đã khẳng định: “Ông Nguyễn Minh Tuân… có thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng Mỹ rải chất độc hóa học, có con gái bị dính các ngón chân”(?)…
Rất mong cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có biện pháp tiếp tục rà soát, kiểm tra công tâm, khách quan để xử lý nghiêm, lập lại công bằng xã hội.