Tâm tư người làm công tác dân số

Trần Ngọc Kha 29/12/2016 09:59

Họ là những người mẹ, người chị, người em rất dễ gần, dễ mến, dễ thương. Chúng ta có thể gặp họ ở bất cứ nơi nào, cả tận các hang cùng ngõ hẻm. Nơi nào cần tư vấn, vận động sinh con theo kế hoạch - có họ. Nơi nào còn nhẹ, nặng vấn đề sinh gái, sinh trai - có họ...

Chị Trần Việt Hoa (bìa trái) trong một lần được các cộng tác viên dân số phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Chị Trần Việt Hoa, giáo viên Trường Cấp 1 Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có 2 con gái xinh đẹp. Cháu lớn sinh năm 1998, hầu như năm nào cũng đạt học sinh giỏi, đỗ trường chuyên THPT tỉnh Vĩnh Phúc rồi vào ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cháu thứ hai, được sinh dãn cách 9 năm, cũng vậy, rất ngoan ngoãn, học giỏi. Anh Lê Trường Sơn, chồng chị, cũng là giáo viên, dạy tại Trường ĐH Kỹ thuật quân sự.

“Thực ra, nhu cầu có con trai, chúng em cũng như mọi người, ai cũng có. Được cháu gái đầu lòng, không phải tự nhiên mãi chúng em mới đẻ cháu thứ hai như vậy. Là vì chúng em cũng… muốn có con giai đấy ạ. Nhưng rồi được bác Hòa cộng tác viên dân số phường em đây vận động, chúng em cứ đẻ bình thường, chẳng chọn lựa gì nữa. Được cháu thứ hai là gái bọn em cũng vui”- chị Hoa bộc bạch.

Bác Hòa mà chị Hoa vừa nhắc đến ở trên là bà Cao Thị Hòa, 63 tuổi. 16 năm nay bà tham gia làm cộng tác viên dân số cho phường Ngô Quyền. “Gia đình chị Hoa đây là một trong những gia đình gương mẫu nhất về thực hiện KHHGĐ trong những năm qua đấy”- nghe bà Hòa nói vậy, không chỉ riêng chỉ Hoa mà cả các bậc thân sinh ra chị cũng rất vui.

Phường Ngô Quyền là phường có rất đông dân cư, chủ yếu là kinh doanh, buôn bán và cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Trình độ dân trí do vậy cũng rất đa dạng. Tuy vậy, hơn chục năm qua, ở đây không có hộ nào sinh con thứ 3 dù có không hiếm hộ sinh con một bề trai hay gái như gia đình chị Hoa. Có được kết quả như vậy phải kể đến công lao không nhỏ của những người làm công tác dân số ở đây, trong đó có bà Hòa. Những người làm công tác dân số ở đây đã tổ chức nên một câu lạc bộ mang tên Gia đình hạnh phúc.

Đây là “sân chơi” của hàng chục hộ gia đình sinh con một bề. Cộng tác viên dân số của phường này, bà Vũ Thị Thêm năm nay 67 tuổi. Bà tham gia công tác này đã được 20 năm, kể từ khi nghỉ hưu. Mặc dù chỉ sinh con một bề nhưng vợ chồng bà cũng xác định con nào cũng là con để an tâm nuôi dạy các con cho tốt.

Ngày ngày, bà cũng không chỉ đến từng nhà vận động mọi người KHHGĐ, không phân biệt giới tính khi sinh, tại những buổi sinh hoạt CLB Gia đình hạnh phúc, mà thường tổ chức cho anh chị em trong câu lạc bộ quây quần hát hò, động viên giúp đỡ nhau vượt qua những băn khoăn, mặc cảm, dằn vặt trong đời sống sinh nở, con cái… Vì vậy, năm 2015, bà vinh dự được nhận Bằng khen của tỉnh vì có nhiều đóng góp cho công tác dân số quê nhà.

Tỉnh Vĩnh Phúc có 1994 cộng tác viên dân số, phát triển rộng khắp tại các thôn, làng, xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã có nhiều cố gắng “lo” được cho họ mức thù lao 150.000đ/người/tháng ngoài mức được cấp từ nguồn kinh phí trung ương 100.000đ/người/tháng. Đây không thể nói là mức thù lao hấp dẫn. Tuy vậy, với họ đó không phải là mối lo ngại nhất để có thể còn tích cực “bám” nghề.

Trong đợt công tác vừa qua, chúng tôi nhận được đơn đề nghị của tập thể Trung tâm Dân số - KHHGĐ, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ 9 xã, phường của thành phố Vĩnh Yên cũng như tại nhiều huyện khác thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về việc tổ chức bộ máy công tác dân số - KHHGĐ trong những năm qua không ổn định có nhiều biến động.

Cơ quan quản lý phát triển dân số lúc thì được nhập vào phòng y tế, lúc lại tách ra và nay lại có nguy cơ nhập vào phòng y tế đối với cấp huyện, thị.

Cán bộ chuyên trách xã, phường lúc thì thuộc chính quyền ở đây quản lý, lúc thì thuộc các trạm y tế quản lý, lúc về các trạm y tế xã phường rồi về các Trung tâm Dân số - KHHGĐ quản lý và nay đang có nguy cơ quay lại mô hình do các trạm y tế quản lý.

Việc thay đổi xoành xoạch mô hình quản lý như vậy đã và đang gây nhiều hoang mang trong tư tưởng khiến cán bộ dân số không an tâm công tác.

Các cán bộ làm công tác dân số ở đây đang có nguyện vọng đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét giữ nguyên bộ máy Dân số - KHHGĐ các cấp như hiện nay.

Trần Ngọc Kha