Dồn sức bình ổn giá

T.Hằng 29/12/2016 10:25

Đón được quy luật thị trường cũng như nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao dịp Tết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; nông, lâm sản khô; bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát thời điểm này các đại lý đã tập trung gom hàng, các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, còn siêu thị thì dồn sức dự trữ hàng hóa.

Quản lý tốt thị trường và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại phố Nguyễn Siêu, phố Hàng Buồm (Hà Nội), các cửa hàng bung hàng Tết, và giá cả có nhích lên. Một số mặt hàng bánh kẹo được giới kinh doanh cho biết “đã bắt đầu tăng”. Chẳng hạn như bánh đậu xanh rồng vàng hộp lớn tăng 2.000 đồng/hộp từ 23.000 đồng lên 25.000 đồng. Hạt điều vỏ lụa hãng Tâm Thành báo giá 2.000.000 đồng/10kg trong khi đó, một tháng trước có giá 1.900.000 đồng.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tâm lý người tiêu dùng vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Cụ thể cứ đến tháng Tết nhà nào, bà nội trợ nào cũng sắm đồ. Vậy nên dù sản xuất đủ nguồn hàng nhưng nhiều sản phẩm vẫn lên giá. Người bán vì vậy cũng tìm được vô số lý do tăng giá bán.

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2016).

Giá trị hàng hóa dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường của doanh nghiệp kinh doanh thương mại là khoảng 11.500 tỷ đồng; của các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát là 9.000 tỷ đồng và của các chợ là khoảng 680 tỷ đồng...

Còn tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn dự kiến chi ra cho chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa cung ứng cho dịp Tết Đinh Dậu 2017 đạt hơn 17.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường chiếm gần 6.852 tỷ đồng.

Thị trường hàng hóa Tết cũng đã bắt đầu nhộn nhịp. Các siêu thị trưng biển, cửa hàng bày biện hàng hóa bắt mắt thu hút người tiêu dùng. Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, doanh nghiệp đã dự trữ 250 tỷ đồng tiền hàng phục vụ Tết.

Siêu thị Saigon Co.op cho biết đã dự trữ hơn 110.000 tấn hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết. Còn hệ thống siêu thị Lotte Mart, nguồn hàng Tết dự trữ tăng ở các loại cà phê, đồ uống, bánh keo...tăng khoảng 30%.

Để tăng doanh thu dịp Tết, phục vụ nhu cầu tiêu dùng các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch sản xuất và tiếp thị. Đại diện Mondelez Kinh Đô cho biết, trong dịp Tết năm nay, các sản phẩm Tết của doanh nghiệp tập trung ở một số loại bánh như bánh Cosy, AFC... Còn Tập đoàn Kido cho biết dự kiến cung cấp khoảng 78.000 tấn dầu ăn trong dịp cuối năm.

Ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân nhận định, sức mua dịp Tết sẽ tăng 15-20% so với ngày thường, nên tính cả lượng hàng dự trữ, tổng sản lượng hàng hóa của đơn vị trong dịp cuối năm tăng khoảng 25-30%.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ, Công ty Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường Tết 3.000 tấn thịt tươi sống và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Ngoài ra, Công ty Vissan còn dự trữ thêm từ 15% - 20% sản lượng hàng hóa dự phòng. Tổng giá trị hàng hóa Vissan dự trữ cho đợt Tết là 650 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo mới nhất từ Bộ Tài chính, các Sở Tài chính tại các địa phương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong dịp trước, trong và sau Tết là theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, nhất là với những hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn như: gạo nếp; gạo tẻ; thịt gia súc; gia cầm; thủy hải sản; rau xanh, bánh kẹo; bia; rượu; nước ngọt… để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý Giá Bộ tài chính khẳng định, sẽ phối hợp với các đơn vị tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, nhất là giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; kịp thời báo cáo Bộ có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là dịp trước và sau Tết.

T.Hằng