Lồng ghép nội dung về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong đào tạo nghề
Ngày 29/12, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) đã chia sẻ kết quả khảo sát việc lồng ghép nội dung về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong đào tạo nghề.
Toàn cảnh hội thảo.
Kết quả cho thấy, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp khá đa dạng, phân bố ở nhiều quận, huyện, thị xã… tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và an toàn lao động ở các địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện giảng dạy an toàn lao động.
Theo ông Nghiêm Trọng Quý, chuyên gia tư vấn khảo sát được tiến hành tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Đà Nẵng và Bình Thuận. Qua khảo sát cho thấy, tuyển sinh dạy nghề trong 3,5 năm qua ở các tỉnh chủ yếu đào tạo sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng và có ít người học nghề nông nghiệp, thủ công và xây dựng.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định trực tiếp về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động vào các môn học/mô đun đào tạo.
Bên cạnh đó nội dung an toàn vệ sinh lao động đã được đưa vào chương trình đào tạo nhưng ít hoặc chưa lồng ghép vào từng mô–đun đào tạo, thời lượng dành cho nội dung an toàn vệ sinh lao động ít, bố trí đào tạo nội dung vào đầu khóa học đã hạn chế hiệu quả đào tạo. Đồng thời, trang thiết bị, vật tư dạy an toàn vệ sinh lao động của các cơ sở dạy nghề vừa thiếu, vừa lạc hậu.
Từ những hạn chế trên nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn 3 nhóm nghề nông nghiệp, xây dựng và thủ công để thí điểm thực hiện lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động vào các mô–đun đào tạo của các chương trình đào tạo nghề. Đề xuất lộ trình và lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện đào tạo thí điểm lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo…