Một Hà Nội thật riêng...
Những người ở nơi khác đến đều chung cảm nhận, Hà Nội là thành phố khó có thể nắm bắt, với ngõ ngách quanh co bên cạnh những khối kiến trúc mới lừng lững. Sáng ngày ra, người người đã túa ra đường, kìn kìn nối đuôi nhau như không bao giờ dứt...
Cầu Thê Húc soi bóng xuống hồ Gươm.
Bắt đầu lang thang Hà Nội từ khu vực hồ Gươm buổi sớm, khi cả thành phố còn vẻ ngái ngủ, màn sương mù như tấm voan mỏng phủ lên tháp rùa và mặt hồ. Cây cầu Thê Húc mang màu đỏ son yêu kiều soi bóng xuống hồ Gươm xanh.
Trên những vườn hoa, công viên hàng ngàn người say sưa tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao. Những cụ già ngồi ven hồ hưởng bầu không khí thanh khiết. Vào những thời khắc ấy Hà Nội trông thật nhộn nhịp mà tĩnh lặng, bao lo toan mưu sinh phải nhường chỗ cho sự yên bình thanh thoát.
Ngang qua một góc vườn hoa Lý Thái Tổ, dễ dàng bắt gặp nhóm du khách nước ngoài đang chăm chú thưởng thức ngón đàn của một nghệ sĩ vĩ cầm vô danh, nhưng tiếng đàn nghiệp dư ấy vẫn khiến người ta mê đắm.
Len lỏi vào khu phố cổ cách đó không xa, một thế giới như được mở ra, bạn có thể tìm thấy những ngôi nhà với ô cửa sổ khoác lên mình một màu rêu phong đứng bên cây bàng lá đỏ. Rồi để cảm nhận được cuộc sống thường nhật của người dân, họ an phận với việc bán buôn và vẫn cứ giữ cho bằng được những nghề truyền thống như: khắc dấu, rèn, đúc đồng,... bên những cửa hàng đồ hiệu, khách sạn sang trọng.
Đặc biệt, phố Hàng Vải, phố Lò Rèn cũng là những xóm cũ thuộc thôn Tân Khai được cải tạo thành đường phố sau khi khu vực này được quy hoạch. Nhưng đến nay nó vẫn còn giữ dấu vết của một phường thủ công nghèo với những ngôi nhà ống hun hút dài.
Chậm rãi ngắm phố phường.
Người dân hằng ngày ngồi bên những quán hàng trà đá, trên mảnh ban công cũ kỹ đọc báo, ngắm người qua lại, hay một người phụ nữ hối hả mua rau cỏ, thực phẩm ở những hàng rong vỉa hè về chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, mặc kệ những bữa buffet đang được nhiều người cổ xúy.
Hay chỉ cần 1 chiếc ghế, 1 tấm gương, 1 bộ đồ cắt tóc và góc vỉa hè, thế là những người thợ cạo có thể mở cửa hàng cắt tóc bình dân kiếm cơm hàng ngày... Trong phố âm thanh, mùi vị đều sinh động lạ thường từ những ngôi nhà, ngôi chùa, người bán hàng rong, những ngõ nhỏ, chợ ven đường...
Hà Nội cũng nổi tiếng với những con ngõ ẩm thực, như ngõ Đồng Xuân chừng trăm mét, nằm bên sườn chợ Đồng Xuân nổi tiếng là thiên đường ăn uống giá rẻ, mỗi ngày ngõ ẩm thực này thu hút cả nghìn lượt thực khách trong và ngoài nước. Tới đây, có 2 món bạn nên thử, đầu tiên là món bún chả kẹp que tre.
Quán mở đã lâu năm nên nhiều thực khách ở Hà Nội biết đến bởi món bún chả nướng trên than hồng. Thịt dùng để nướng chả là loại thịt ba chỉ ngon, được thái mỏng, ướp nước mắm, đường, hạt tiêu rồi kẹp vào những que tre nhỏ, trông rất hấp dẫn. Phần chả viên còn có lá xương xông hoặc lá lốt bọc bên ngoài. Điểm đặc biệt thú vị ở quán là thứ gia vị độc đáo mà ít nơi nào có được, nước giấm sấu, giấm me tự làm. Thêm chút nước này vào bát nước chấm cũng mang vị khác lạ, chua dịu, thơm thơm.
Thứ hai là món bún ốc, bún ở đây ngon nhất là phần nước dùng vừa miệng, thơm nhẹ vị nếp cái dùng làm giấm bỗng, thêm chút cay cay của ớt. Ngoài nước dùng ngon, ốc ở đây cũng được xử lý kỹ nên không có vị tanh mà thịt rất mềm, chắc, ăn giòn giòn, béo ngậy. Bún ốc ở đây không thêm giò, chả hay thịt bò theo xu hướng mà nhiều hàng quán đang làm, vì vậy bát bún có vị thanh và nhẹ nhàng. Bát bún ốc được ăn kèm với một đĩa rau sống tươi non.
Đi xa hơn khu vực phố cổ, góc phố Trần Quốc Toản cắt Bà Triệu đẹp lạ lùng, ở ngay trung tâm của thủ đô. Từ một quán cà phê mang phong cách hiện đại, thường chọn album nhạc đồng quê của cô ca sĩ trẻ đình đám Taylor Swift. Quán tọa ngay góc phố, ngồi nhâm nhi ly cà phê trên gác hai, ngay dưới tán một vòm cây hoa sữa, lặng ngắm chùm hoa sữa muộn còn sót lại…
Hai hàng sấu cổ thụ đứng trầm tư , thấp thoáng trong tàn lá xanh um là một vài trái sấu chín vàng xuộm đong đưa theo cơn gió bấc. Gốc si vươn hàng rễ gần chạm mặt đất như một người già ưa chiêm nghiệm. Góc phố này còn khá nhiều ngôi nhà mang kiến trúc Pháp, song hầu như không còn công trình nào giữ được nguyên vẹn do người dân cơi nới thêm chỗ ở.
Nhưng người ta vẫn thấy vết dấu của kiến trúc Pháp hằn in trên từng ban công, ô cửa sổ duyên dáng được trang trí bởi những chậu hoa giấy trắng, hồng làm bừng sáng không gian cũ kỹ. May mắn là phần mái một số ngôi biệt thự vẫn được giữ lại. Phía sau gốc si là một cửa hiệu mỹ phẩm sang trọng được trang hoàng lộng lẫy.
Cửa hiệu ấy cũng là một lát cắt từ ngôi nhà kiến trúc Pháp bị “băm nát”. Không riêng góc phố này. Sự “pha trộn” cổ kim trong kiến trúc khá phổ biến ở đất Hà Thành khiến cho người ta không khỏi tiếc nuối những công trình được tạo nên bởi các kiến trúc sư tài hoa.
Phía bên kia là một hiệu sách, như một khoảng lặng của góc phố. Hiệu sách ấy đã chứng kiến bao thế hệ bạn đọc yêu sách, say mê sách. Tới nay thì hiệu sách đã vắng vẻ đi rất nhiều rồi, có khi cả ngày chẳng ai ghé qua, nhưng chủ hiệu thì vẫn cứ khư khư giữ nếp cũ.
Dù chỉ cần cho thuê mặt bằng bán cà phê hay kinh doanh hàng ăn thì cũng bỏ túi được hàng ngàn đô la mỗi tháng. Chắc hẳn, người chủ hiệu sách “gàn” kia vẫn cứ muốn giữ cho dãy phố một nơi “neo đậu” tinh thần hiếm hoi.
Cũng ở góc phố ấy, một ngôi biệt thự cũ nhưng giờ giống như một khu tập thể bởi nó được cắt ra, chia cho hàng chục hộ dân đang sinh sống. Cánh cổng sắt im lìm dưới hai cây muỗm già rợp bóng. Hiệu hoa tươi sát cánh cổng như để tô điểm cho góc phố. Đám trẻ ríu rít nô đùa trước khoảng sân nhỏ, khi ánh nắng nhạt đậu trên bậc cầu thang cũ kỹ...