Các tỉnh miền Trung bàn cách khôi phục sản xuất
Ngày 29/12, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị “Khôi phục sản xuất sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung”.
Quang cảnh hội nghị khôi phục sản xuất sau mưa lũ miền Trung.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, giữa tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, làm lũ các sông lên cao ở mức báo động 3, nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử.
Đặc biệt, mưa lũ lặp đi, lặp lại nhiều lần trên nhiều khu vực đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu.
Trước thực trạng mưa lũ diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đến các địa phương bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN và Sở NN&PTNT các tỉnh miền Trung, đợt mưa, lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Tính đến thời điểm 23/12, mưa lũ gây thiệt hại cho sản xuất cây trồng khoảng 95.346 ha. Trong đó, cây lúa 53,9 ha; rau màu 28.469 ha; công nghiệp và ăn quả 4.079 ha; hằng năm 8.883 ha và 1,8 triệu chậu hoa cảnh phục vụ Tết Nguyên đán.
Nông dân tích cực dọn ruộng để sản xuất vụ đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: Để khôi phục sau lũ, đối với lúa Đông Xuân có diện tích gieo sạ trên chân cao trong cơ cấu 3 vụ/năm từ ngày 25/11-5/1 hiện tại đang thời kỳ đẻ nhánh, cần thực hiện các biện pháp rửa bùn bộ lá và hạn chế ngộ độc hữu cơ bằng chế phẩm hợp trí Super hummic lượng 1-2kg hạt/ha.
Đồng thời kiểm tra phòng trừ ốc bươu vàng gây hại và bệnh đạo ôn, khô vằn do lá bị tổn thương khi nước chảy xiết gây ra.
Diện tích lúa mới gieo sạ trong cơ cấu 3 vụ lúa/năm nhanh chóng kiểm tra ruộng, nếu hư hỏng một ít thì không được phá bỏ để gieo sạ lại mà tiếp tục chăm sóc.
Riêng diện tích tiếp tục gieo sạ mới phải kết thúc trước ngày 31/12. Còn lúa 2 vụ/năm phải tiến hành gieo sạ trước ngày 10/1/2017; diện tích nước rút quá chậm sau ngày 10/1 có thể gieo mạ cấy.
“Các địa phương phải sử dụng giống ngắn ngày đối với lúa vụ ĐX nhằm rút thời gian sinh trưởng. Qua đó kịp thời vụ HT sắp tới”, ông Hòa nói.
Các địa phương cần tập trung khôi phục lại diện tích sản xuất rau màu, tiến hành làm đất và gieo trồng càng sớm càng tốt để cung ứng nguồn rau trong dịp Tết Nguyên đán. Cần sử dụng các giống rau màu ngắn ngày như nhóm giống rau ăn lá, rau gia vị...
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng NN&PTNT Việt Nam phát biểu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Bộ NN&PTNT đã thống nhất giải phóng kho giống dự trữ để hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, theo ông Doanh, lượng giống trong kho không cung ứng đủ nhu cầu giống của các tỉnh, vì vậy các địa phương cần chủ động liên hệ với các công ty cung ứng giống cây trồng, để cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho người dân...
Trước mắt, các địa phương cần tập trung lực lượng sản xuất một vụ Đông Xuân đặc biệt, lựa chọn các giống ngắn ngày, chất lượng cao...
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết vẫn có nhiều diễn biến bất thường, tiếp tục có mưa to, do đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp yêu cầu các địa phương bám sát, theo dõi tình hình thời tiết để có phương án đối phó kịp thời; chú ý bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ cũng như trong việc chống hạn hán cho mùa khô sắp tới. Tập trung khắc phục khơi thông kênh mương nội đồng để tiêu thoát nước.