Bóng hồng nơi cửa bể
Chuyện mưu sinh ở cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) thì “muôn hình vạn trạng”, nhưng điều ám ảnh tôi nhiều nhất là hình ảnh những người phụ nữ rất đặc biệt. Những người luôn đội trên đầu những rổ cá hay vác trên vai những bao sò nặng trĩu. Mỗi ngày, họ phải bốc hàng chục tấn hải sản chỉ đổi lấy con mắm, con cá đắp đổi qua ngày. Vậy nhưng, người lạ muốn đặt chân vào “lãnh địa làm ăn” của họ thì hơi bị khó…
Công việc hàng ngày của những người đàn bà Cửa Sót.
Những phận người
Một ngày cuối năm 2016, rẽ màn đêm giá lạnh chúng tôi tìm về cảng Cửa Sót khi mặt trời đang ngủ vùi phía chân núi. Vượt qua hàng chục km từ thành phố Hà Tĩnh tiến về cửa bể Thạch Kim, khoác trên mình một đống quần áo dày lộm cộm nhưng cái rét vẫn đâm thấu da thịt. Những cơn gió biển rít từng hồi càng khiến cái lạnh se sắt hơn. Nhưng ở cảng Cửa Sót- “thủ phủ” hải sản của Hà Tĩnh, lúc này lại tấp nập như chợ Tết. Những người phụ nữ “đặc biệt” mà tôi muốn nói đến rất dễ nhận ra giữa rừng người hỗn độn, những ai mặc áo mưa dù trời không mưa là chính họ.
Thông thường, việc khuân vác thuê chỉ dành riêng cho người đàn ông vì nó rất nặng nhọc, nhưng ở cảng Cửa Sót việc này lại do gần 20 người phụ nữ đảm nhận. Công việc đặc thù là vậy, cảnh đời của những người phụ nữ này cũng rất éo le. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đã biến những “bóng hồng” vốn mỏng manh, yếu ớt trở thành trụ cột trong gia đình.
Dù mùa hè nóng bức, hay mùa đông lạnh lẽo, cứ đúng 4h sáng, khi mọi người đang vùi mình trong chăn ấm, nệm êm thì những người phụ nữ “đặc biệt” này đã thức dậy, vớ quang gánh tìm đến cảng Cửa Sót để mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Định (SN 1960, thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim) đã gắn bó với nghề cửu vạn ở cảng Cửa Sót khi mới 33 tuổi, đến nay đã gần 30 năm gắn bó với “nghề”, chị Định vẫn một mình “bao trọn” cho 5 - 6 chiếc thuyền cá mỗi ngày dẫu tấm thân đã hao gầy, theo năm tháng.
Chị tâm sự với chúng tôi mà đôi mắt khi nào cũng ngân ngấn nước, ngày 20-7-1992, trong cái đêm định mệnh ấy, chồng chị đang trực lưới cho HTX Hải Đằng ở cảng thì bị một nhóm đối tượng thanh trừng lẫn nhau bắn nhầm. Khi đó chị đang mang bầu đứa út được 4 tháng. Sau khi lo mai táng cho chồng, mấy tháng trời lê lết theo những phiên tòa xét xử vụ người chồng chết oan, chị Định chỉ nhận được 7 triệu đồng tiền mai táng.
Đẻ đứa út được 3 tháng, chị phải gửi con cho bà ngoại để ra cảng làm thuê nuôi 6 đứa con ăn học. “Lúc đó dù mới sinh nhưng tôi cũng phải bươn chải kiếm tiền nuôi con, trong nhà không còn hạt gạo nào, nếu không có cảng cá này thì 6 đứa con của tôi không biết lấy gì mà ăn chứ đừng nói là được đi học. Ở cảng ai cũng biết hoàn cảnh của tôi nên họ nhường cho tôi 6 chiếc tàu. Cứ thế đến nay đã gần 30 năm, những chiếc tàu này vẫn do tôi đảm nhận công việc đội cá”-chị Định ngậm ngùi chia sẻ.
Vất vả mưu sinh.
Trước đây, sau mỗi chuyến tàu ra khơi khi trở về đầy ăm ắp cá, nhất là vào mùa cá mu (mùa hè), có thuyền vài ba tấn, một mình chị Định phải bốc hết tàu này sang tàu khác. Một thỏm sâu để lại trên đầu là dấu vết của sự vất vả mà chị Định đã gánh suốt gần 30 năm qua.
“Ngày nào cũng thế, chạy cho nhược mà vẫn phải cố, có khi bốc xong cá thì mặt cũng tóa đôm đốm. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì chết khiếp. Làm quần quật cả ngày, ăn thì cũng ăn đứng ăn ngồi để đi cho kịp vì khoảng tầm 10h bốc xong ở cảng cá, tôi lại đi làm ở kho đông lạnh. Nghỉ làm thì 7 miệng trong nhà nghỉ ăn, bởi vậy có ốm thì cũng tranh thủ ốm nhanh để dậy đi làm”- chị Định nói.
Khi nhắc đến tiền công, chị Định vẻ buồn rầu cho biết, bốc xong cá thì chủ tàu cho mớ cá để bán, tính cả 6 chiếc thuyền thì bình quân mỗi ngày thu về được 60-70 nghìn đồng, có khi được 100-150 nghìn. Số tiền ấy, cộng với vài chục nghìn do 6 đứa con của chị dán vàng mã cũng đủ để trang trải cuộc sống. Đến nay, 5 đứa con của chị Định đã “ra cửa nhà”, 1 đứa con gái thứ 3 bị ung thư đã mất khi mới 30 tuổi.
Giờ không mang gánh nặng nuôi con nhưng chị Định vẫn phải bươn chải ở cảng như trước đây vì từ khi sự cố môi trường xảy ra đến nay, mỗi ngày chị Định chỉ gom góp được khoảng 50 nghìn đồng, có ngày chỉ kiếm được 20-30 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi này giúp chị rau cháo đắp đổi qua ngày. Trong khi chị còn nợ 40 triệu đồng ở ngân hàng do trước đây vay vốn sinh viên để cho con đi học không biết bao giờ mới trả được…!?
Chị Định cho biết: “6 đứa con của tôi không có đứa nào phải nghỉ học giữa chừng, có 2 đứa học xong đại học, giờ cũng có công việc ổn định, còn những đứa còn lại thì học xong 12 cũng đi làm công nhân trong miền Nam rồi lập gia đình. Tất cả tiền bạc đều gom góp nuôi con ăn học nên cái nhà cũng không làm được mà ở”. Quả thật, ngôi nhà xiêu méo của chị không có gì đáng giá, với chị cái tivi 14 inch cũ kỹ là “của quý” duy nhất vì nó còn phát ra tiếng để làm bạn với chị hằng ngày.
Mưu sinh ở cảng Cửa Sót như chị Định còn có rất nhiều cảnh đời bất hạnh, trong đó phải kể đến chị Hoàng Thị Minh (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim). Người dân ở cảng thường gọi chị là “Minh câm” vì chị chỉ nói được ú ớ đôi tiếng nhưng được cái là có sức khỏe phi thường.
“Một ngày nó kiếm được mấy trăm nghìn nhờ bốc sò, khi nào cũng vác bì sò nặng 5-60 kg trên vai, đàn ông có khi làm không bằng nó đâu. Mình nó làm chủ 7 chiếc thuyền dạ cào. Nhưng khổ cái là làm về, tiền không biết để đâu vì không có chồng con gì cả”- chị Nguyễn Thị Tuyết, bán hàng tạp hóa ở cảng Cửa Sót nói.
Mấy năm trời “Minh câm” quần quật vác sò thuê ở cảng, dành dụm tiền để nuôi người mẹ già và mua vàng cho anh em vay mượn. Đến giờ tài sản của chị cũng bay biến đi đâu hết. Chồng, con không có thì với người phụ nữ, tiền cũng chẳng để làm gì.
Hình ảnh đáng thương nhất ở cảng Cửa Sót có lẽ là cảnh bà Phạm Thị Bình (thôn Long Hải, xã Thạch Kim) lê lết đôi chân tật nguyền đội từng ki cá (chiếc khay nhựa) từ thuyền lên bờ để kiếm con cá, con mắm về ăn. Năm nay 62 tuổi, cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng bà Bình vẫn bám cảng mưu sinh.
“Đôi chân ngâm dưới nước mấy chục năm trời nên giờ tôi đi không nổi nữa, không đi được thì phải lết thôi. Trước bốc cho 5 thuyền thì giờ giảm còn lại 2-3 thuyền, chỗ nào cao không bước lên được thì nhờ những chị em còn khỏe hơn họ đỡ cho, sau đó thêm cho họ ít tiền. Chị em giúp nhau để sống qua ngày chứ ở nhà thì lấy đâu ra cái mà ăn” - bà Bình cho biết.
Với những người cửu vạn ở cảng Cửa Sót không có ngày nào khô ráo, dù mặc áo mưa để nước cá khỏi ngấm ở phần người phía trên còn phần dưới thì suốt đời ngâm dưới nước. Chị em làm ở đây không ai là không mang bệnh xương, khớp, đĩa đệm. Ngày đi làm, đêm về vật vã với bệnh tật.
“Lãnh địa” khó xâm phạm
Nghĩ về công việc của những “bóng hồng” mưu sinh ở Cửa Sót, tôi luôn băn khoăn tự hỏi, tại sao không có một tổ chức đoàn thể hay chính quyền nào đứng ra thành lập tổ, đội với những quy định chặt chẽ, thỏa thuận giá cả giữa người bốc vác với chủ tàu thuyền để đảm bảo quyền lợi cho người lao động? Hơn nữa, sau khi sự cố môi trường xảy ra, những người bốc vác này cũng “đói” nghề, vậy hướng đi nào cho họ? Để trả lời những câu hỏi này, tôi tìm đến Hội Phụ nữ xã Thạch Kim.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết- Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Xuân Phượng, đội bốc vác thuê ở cảng Cửa Sót không chỉ có người ở xã Thạch Kim mà các xã lân cận như Thạch Bằng cũng có. Gọi là đội quân nhưng việc ai nấy làm, thuyền ai người đó bốc. Mỗi người đều có những “luật ngầm” thỏa thuận giữa họ với chủ thuyền, khó có người lạ nào có thể vào tranh dành “lãnh địa” của họ. Những khi ốm đau không làm được thì chính người này nhờ người khác bốc hộ nhưng sau đó phải chia một phần tiền công.
“Thực ra, những người phụ nữ bốc vác ở đây đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một số người sức khỏe yếu, không thể bốc vác được thì họ cầm rổ đi xin cá để ăn. Làm cái nghề này không ổn định, làm theo mùa vụ, mùa hè nhiều việc còn mùa bão lũ phải treo niêu. Nhưng ai muốn đặt chân vào chỗ làm của những người này thì rất khó”- chị Tuyết nói.
Còn chị Phan Thị Mai- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Kim cho biết: Hội chỉ hỗ trợ các chị em phụ nữ bốc vác ở cảng Cửa Sót bằng cách tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất nếu có nhu cầu hoặc hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo… Việc can thiệp, thành lập tổ, đội thì rất khó vì hải sản có nhiều chủng loại, chủ tàu trả công cho người bốc vác tùy theo hứng của từng người và rất khó để thuyết phục, thỏa thuận. Hơn nữa, sau sự cố môi trường biển xảy ra, công việc ở cảng bấp bênh, Hội cũng đang cố gắng để chuyển đổi nghề nghiệp cho các chị em.
Rời cảng Cửa Sót khi mặt trời đã khuất núi, dư vị mặn mòi của biển theo tôi suốt đường về. Ẩn hiện trong tâm trí tôi là hình ảnh người phụ nữ kiên trì ngồi dán những miếng vàng mã để lấp chỗ trống thời gian khi biển vắng. Không hiểu sao tôi thấy lòng nhẹ nhõm khi nghĩ đến nỗ lực chuyển đổi nghề nghiệp cho những phận đời hẩm hiu mà chính quyền xã Thạch Kim đang hướng tới…