Mỹ đòi trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang lên kế hoạch đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm vào Nga vì cáo buộc không có căn cứ rằng nước này tấn công mạng nhằm vào các thể chế chính trị và chính trị gia của họ, làm lộ thông tin để giúp Tổng thống đăc cử Donald Trump và nhiều ứng viên đảng Cộng hòa.
Dù không thể đưa ra bằng chứng, Mỹ vẫn giữ cáo buộc cho rằng Nga can thiệp bầu cử của họ. (Nguồn: Reuters).
Thông tin được 2 quan chức kỳ cựu cho hay hôm 29/12, dù không nêu rõ liệu Tổng thống Obama sẽ phê chuẩn các hành động nào, nhưng nói rằng các biện pháp này sẽ gồm các lệnh trừng phạt kinh tế, làm rò rỉ thông tin nhằm vào giới chức hoặc các tập đoàn Nga, và hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Nga tại Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, một quyết định mà chính quyền Mỹ đã đưa ra là tránh có các biện pháp thái quá để tránh khả năng làm bùng phát một cuộc chiến tranh mạng, có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
Cơ quan Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều nhất trí cho rằng Nga đứng đằng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức của đảng Dân chủ nước này trong kỳ bầu cử 8/11 vừa qua. Cũng có sự nhất trí trong chính quyền Washington cáo buộc Nga tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ để giúp ông Trump, một ứng viên đảng Cộng hòa, đánh bại bà Hillary Clinton.
Nga đã liên tục bác bỏ các cáo buộc tấn công mạng vô căn cứ mà Mỹ đưa ra, thế nhưng chính phủ của Tổng thống Obama vẫn tiếp tục đưa ra những lời đe dọa về những lệnh trừng phạt. Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống đắc cử Trump cũng đã bác bỏ những cáo buộc nhằm vào Nga.
Tổng thống Obama, trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng với hãng tin NPR, đã nói rằng “Chúng ta cần phải có hành động và chúng ta sẽ” ngăn chặn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng Mỹ không nên áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục với cuộc sống của chúng ta” - ông Trump nói trước báo giới tại Florida khi được hỏi về vấn đề nói trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, trong cùng ngày cũng tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nếu như chính quyền Washington áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào họ.
Reuters dẫn lời ông Jim Lewis, chuyên gia an ninh mạng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định rằng việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới sẽ khiến cho ông Trump khó có thể đảo ngược được.
Việc phải đưa ra các biện pháp đối phó với vấn đề các vụ tấn công mạng được các thế lực nước ngoài bảo trợ đã làm điên đầu chính quyền Tổng thống Obama, người đã phải chứng kiến hàng loạt các vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ và các tổ chức tư nhân của nước này trong suốt 8 năm ở Nhà Trắng.
Trong các vụ tấn công mạng trước đây, giới chức chính quyền Mỹ thường cáo buộc CHDCND Triều Tiên và quân đội Trung Quốc đứng đằng sau bởi họ tự cho rằng đây là các bên được hưởng lợi từ các vụ việc này, nhưng lại không thể đưa ra bằng chứng cụ thể, cũng giống như với Nga hiện nay.
Kể từ đó, Mỹ đã liên tục tăng cường an ninh mạng và tuyên bố an ninh mạng là một vấn đề có khả năng mang lại rủi ro lớn cho họ. Tuy nhiên, việc đưa ra một biện pháp trả đũa phù hợp với Nga trong bối cảnh này là rất khó đối với Mỹ, bởi lo ngại về cái gọi là khả năng tấn công mạng của Nga.
Hiện nay, ông Obama có thể lựa chọn kích hoạt lại một chỉ thị mà ông từng đưa ra hồi tháng 4/2015 trong đó cho ông quyền lực được áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả các vụ tấn công mạng mà các tổ chức nước ngoài thực hiện để nhằm vào cơ sở hạ tầng, ví dụ như mạng giao thông, hoặc vì các mục đích kinh tế.
Một lựa chọn, theo Reuters dẫn nguồn từ một quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ, có khả năng sẽ là làm rò rỉ thông tin của giới chức Nga hoặc các hành động mà phía Mỹ cho là sẽ “tương xứng với điều mà Nga đã làm” với họ.
Một lựa chọn khác sẽ là nới rộng thêm các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Washington vốn đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga trong suốt 2 năm qua liên quan tới vấn đề Ukraine và Crimea. Tuy nhiên, một số cựu quan chức Mỹ cho rằng các biện pháp hiện tại vẫn còn để lại nhiều chỗ trống để chính quyền Washington có thể tiếp tục tăng thêm sức ép, nhằm phản ứng lại các cuộc tấn công mạng trong tương lai.