Máy bay Nga bị rơi do trục trặc kỹ thuật phần cánh?
Các đội điều tra vụ chiếc máy bay Tupolev Tu-154 của Nga bị rơi trên khu vực Biển Đen hôm 29/12 cho hay họ đã trục vớt được 2 thiết bị hộp đen trong khi thiết bị thứ ba đã bị phá hủy. Dù vậy, giới điều tra vẫn đưa ra kết luận ban đầu, cho rằng chuyến bay này có khả năng đã bị trục trặc động cơ.
Một mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn được tàu cứu hộ đưa lên bờ. (Nguồn: AP).
Bộ Quốc phòng Nga cho trước đó cho hay họ đã tìm thấy thiết bị thứ hai thuộc hộp đen của chuyến bay gặp nạn trên Biển Đen, ở vị trí gần khu nghỉ dưỡng Sochi và quá trình phân tích dữ liệu đã được bắt đầu. Cơ quan này cũng cho hay có ít nhất 15 thi thể đã được tìm thấy và trục vớt từ hiện trường vụ rơi máy bay, cùng hàng trăm mảnh vỡ máy bay.
Chiếc máy bay quân sự đã bị rơi vào sáng Chủ nhật tuần trước, chỉ 2 phút sau khi nó cất cánh trong điều kiện thời tiết tốt từ sân bay thành phố Sochi. Chuyến bay chở 92 người, trong đó có 62 người thuộc đoàn văn công quân đội Alexandrov, đoàn đồng diễn nổi tiếng của nước Nga, đang dự kiến tới căn cứ không quân Hmeymim, Syria để mừng dịp năm mới.
Hãng Tass dẫn báo cáo của giới điều tra nước này, dù chưa được Bộ Quốc phòng xác nhận, nói rằng nguyên nhân vụ rơi máy bay có thể là do trục trặc ở phần cánh tà - bộ phận giúp máy bay định hướng lúc hạ cánh và cất cánh. Được biết, thông tin này được dẫn nguồn từ một đoạn thu âm từ hộp đen; theo một số quan chức giấu tên đang phụ trách quá trình điều tra vụ tai nạn.
Đoạn ghi âm nói trên, hiện chưa được chính phủ Nga xác nhận, nói rằng các phi công đã hét to điều gì đó về phần cánh tà và cảnh báo rằng chiếc máy bay đang bị rơi trước khi đoạn ghi âm đột nhiên ngừng bặt.
Cũng theo hãng tin Tass, bộ ghi dữ liệu chuyến bay thứ ba nằm ở đuôi máy bay Tu-154 rơi ở Biển Đen đã bị phá hủy. “Một đoạn băng đã được tìm thấy từ hộp đen thứ ba và nó đã bị phá hủy”, hãng này dẫn một nguồn tin điều tra cho hay.
Nguồn tin cũng cho biết: “Hộp đen thứ ba nằm ở phần đuôi, bản sao dữ liệu của hai hộp đen còn lại ở Moscow. Cuộn băng của hộp đen thứ ba đã được tìm thấy và đã bị biến dạng nghiêm trọng, nhưng vẫn có thể giải mã phần nào”.
Tình trạng của 2 bộ ghi dữ liệu chuyến bay còn lại vẫn đảm bảo. “Việc giải mã chúng đang diễn ra ở Moscow” và sẽ được hoàn thành sớm, có thể là vào ngày 30/12, theo nguồn tin.
Giới chức Nga, trong khi đó, nói rằng khả năng bị khủng bố chưa bị loại khỏi giả thuyết, tuy nhiên khả năng này là cực kỳ thấp.
Trong cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng chỉ trích tạp chí châm biếm của Pháp Charlie Hebdo vì đã đăng tải những hình ảnh hài hước về vụ tai nạn. Được biết Charlie Hebdo từng trở thành mục tiêu của ít nhất 2 vụ tấn công khủng bố, một trong năm 2011 và một trong năm 2015, vì tính chất nhạy cảm của các nội dung mà họ từng đăng tải.
Bộ Tình huống khẩn cấp Nga cho hay họ vẫn đang triển khai chiến dịch đồ sộ nhằm trục vớt thi thể nạn nhân và các mảnh vỡ của chiếc máy bay Tu-154 với sự tham gia của 45 tàu thuyền, 135 thợ lặn, cùng nhiều trực thăng… bao phủ một diện tích biển có bán kính 1,5 km và ở độ sâu 25 m dưới mặt nước biển.
Giới truyền thông Nga thì đăng tải nhiều bài viết nói về các nguyên nhân giả thuyết vụ tai nạn máy bay, như trục trặc kỹ thuât, lỗi con người và cả chở quá tải.
“Mẫu máy bay Tu-154 đã được ngừng sản xuất từ khá lâu và Bộ Quốc phòng Nga là khách hàng duy nhất còn sử dụng mẫu máy bay này” - Ông Maxim Pyadushkin, giám đốc điều hành Tạp chí Air Transport Observer cho, hay.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã nêu rõ rằng chiếc máy bay gặp nạn vừa qua mới được bảo trì hồi tháng 9 năm nay, điều này có nghĩa rằng nó trong điều kiện hoàn toàn tốt để vận hành, xét về mặt kỹ thuật. Tuy chưa xác nhận về khả năng lỗi kỹ thuật, nhưng Bộ Quốc phòng Nga cũng đang tập trung vào giả thuyết này.
Trong lúc giới chức Nga hạ thấp khả năng chiếc máy bay trên là nạn nhân của một vụ tấn công khủng bố, vẫn có nhiều quan ngại cho rằng họ đã trở thành mục tiêu vì tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, giống như nhiều nước phương Tây từng hứng chịu.
Mới đây nhất, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ám sát hôm 20/12 tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) bởi một viên cảnh sát nước này, kẻ đã hét lên tên thành phố Aleppo và cuộc chiến ở Syria. Nga và Thổ hiện đang chung tay thúc đẩy một lệnh ngừng bắn áp dụng trên toàn lãnh thổ nước này, dự kiến sẽ sớm cho ra mắt trong vài ngày tới.
Một số hãng truyền thông Nga còn cho hay một số thi thể nạn nhân trong chuyến bay xấu số nọ còn được tìm thấy khi mặc áo phao cứu hộ, từ đó chỉ ra rằng không thể có khả năng một quả bom đã phát nổ một cách bất ngờ trên máy bay được.
“Giả thuyết cho rằng có hành động khủng bố chỉ là lời đồn thổi” - ông Pyadushkin nói - “Chỉ có điều tra mới có thể đưa ra kết luận chính thức”.