Thông tư về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
Theo đó, tai nạn giao thông đường sắt được phân loại theo nguyên nhân và theo mức độ thiệt hại. Trong đó, tai nạn giao thông đường sắt bao gồm tai nạn do nguyên nhân chủ quan và tai nạn do nguyên nhân khách quan.
Tai nạn do nguyên nhân chủ quan là tai nạn xảy ra do vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường sắt của tổ chức, cá nhân thuộc các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.
Tai nạn do nguyên nhân khách quan là tai nạn do nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, địch họa) hoặc các nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.
Phân loại theo mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra có 4 loại sau:
1. Tai nạn giao thông đường sắt ít nghiêm trọng là tai nạn có từ 1- 5 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
2. Tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng là tai nạn có 1 người chết hoặc có từ 6 - 8 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
3. Tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng là tai nạn có 2 người chết hoặc có từ 9 - 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
4. Tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn có từ 3 người chết trở lên hoặc có từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Việc giải quyết tai nạn giao thông đường sắt phải bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối an toàn, nhanh chóng và kịp thời. Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đường sắt phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết; tổ chức cứu chữa ngay đối với người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.
Tai nạn giao thông đường sắt phải được thông tin, báo cáo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt phải đến ngay hiện trường để giải quyết; không được gây trở ngại cho việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông sau khi xảy ra tai nạn.
Thông tư nêu rõ, Tổng giám đốc doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi quản lý.
Đối với các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày tai nạn xảy ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định thành lập Hội đồng phân tích tai nạn giao thông đường sắt hoặc ủy quyền cho Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2017.