Tình người trên miền đất bazan

Đơn Thương 30/12/2016 16:41

Nằm trên dải đất Tây Nguyên, khí hậu mùa này hanh hao, ấy thế mà lòng người ta lại dịu đi khi đến với Tổ ấm Vĩnh Sơn 1 của thị xã Kon Tum. Tại đây lữ khách và người thiện nguyện được nghe kể về những mảnh đời, tình người hết sức nhân văn của các dân tộc sống trên miền đất bazan đầy huyền bí này.

Nhiều đứa trẻ kém may mắn trên dải đất đỏ bazan đã có tổ ấm cho mình.

Nước mắt “nẩy mầm”

Tổ ấm này nằm ngay cạnh ngôi nhà thờ nổi tiếng làm toàn bằng gỗ của thị xã, với hơn 100 mảnh đời ghép lại, quây quần cùng nhau. Bỏ lại đằng sau những thất vọng, kể cả buồn tủi, họ vươn lên để sống, để làm người mà có lẽ cái duy nhất chỉ có tình người là đã làm nên những điều kỳ diệu ấy. Tình người thì có muôn vàn góc cạnh, thế nhưng tình người ở đây lại củng cố thêm cho con người ta một chân lý: Nó mạnh hơn tất cả những sức mạnh mà con người ta hằng nghĩ, sức mạnh ấy là do con người dành cho con người.

Trong 184 mảnh đời ở Tổ ấm Vĩnh Sơn 1 này, ám ảnh nhất trong các lời kể của các Sơ (Soeur) đó là chuyện về cậu bé Pi Yo Rong. Sinh mệnh của em được cứu trong gang tấc, em được sống, được làm người với một tương lai đầy sán lạn bắt đầu từ tình người mà cụ thể hơn là các Sơ của tổ ấm.

Hủ tục là nguồn cơn để cậu bé Pi Yo Rong này chút nữa đã phải từ rã cõi đời. Bố mẹ của Pi Yo Rong vốn là dân tộc Gia Rai. Hiện tại trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng người dân tộc Gia Rai cư trú khá đông. Trong cộng đồng của mình dân tộc Gia Rai còn tồn tại một hủ tục: chôn sống cùng mẹ. Pi Yo Rong cất tiếng khóc chào đời tại một buôn ở An Mỹ - Gia Lai. Em sinh ra khỏe mạnh, thế nhưng khi em được 4 tháng tuổi thì người mẹ của em đã lâm bệnh qua đời.

Theo hủ tục, số phận của em đã được định đoạt với hai cách lựa chọn: Một là em sẽ được sống tiếp khi có một ai đó dám đứng ra nhận em làm con nuôi và thứ hai là em sẽ phải chết, sẽ phải chôn sống với người mẹ đã quá cố của mình. May mắn đã đến khi em được một người hàng xóm, cũng là người dân tộc Gia Rai như em dám “cả gan” đứng ra nhận em làm con nuôi.

Pi Yo Rong đã thoát chết từ một tình người đầu tiên trong đời sau tình mẫu tử mà người mẹ đã dành cho em. Thế nhưng khổ nỗi, gia đình người xin em làm con nuôi ấy cũng nghèo khổ quá. Họ túng quẫn vì nhà nghèo đang có 6 miệng ăn nay lại thêm em nữa. Họ quắt quay với suy tính và một lần nữa vận may của tình người lại đến, lại mỉm cười với em khi em và gia đình bố mẹ nuôi gặp Sơ Y Ponh ở Gia Lai. Biết tình cảnh của gia đình mẹ nuôi, biết tình cảnh của em, không nề hà Sơ Y Ponh đã nhận em về, sau đó qua sự liên hệ của xơ Y Ponh, em đã được gửi lên Tổ ấm Vĩnh Sơn 1.

Từ một đứa trẻ 4 tháng, kém may mắn và đầy rủi ro trong những đứa trẻ mà tôi đã gặp trên tất thẩy mọi nẻo đường, hiện tại bé Pi Yo Rong đã biết chạy nhẩy lưng tưng, vui cùng chúng bạn, đón nhận những tiếng chuông ngân lên ở khu nhà thờ gỗ kế bên và lớn lên như bao bạn bè khác. Trò chuyện với chúng tôi, Sơ BLưih nhớ lại: Thằng bé Pi Yo Rong tội thật. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày xuống Gia Lai đón nó.

Khi Sơ Blưih nhận được điện thoại của Sơ Yponh cũng là lúc có một trận bão đổ xuống đất Tây Nguyên. Mưa mịt mùng, nhiều người thấy bão lốc đã lên tiếng khuyên là nán lại một chút thời gian xem thế nào đã. Thế nhưng Sơ Blưih đã quyết định đội mưa gió đi đón em, vì Sơ sợ mình sẽ chậm chân và sợ bất hạnh nhỡ đâu lại đến với một cậu bé kém may mắn như em.

Nghe xơ BLưih kể, tôi hiểu, tình người đã không để cho họ chậm chân! Chính những bước chân mải mốt để cưu mang con người của các sơ và cộng sự ở cái miền đất xa lắc này đã cứu rỗi bao số phận, đã làm nước mắt nẩy mầm, để người ta nhớ mãi và tự nhìn nhận lại mình mỗi khi tới đây.

Nụ cười từ tình thương và sự cưu mang.

Đại gia đình

Tiếng chuông nhà thờ vang lên, ngân xa, sâu thẳm và thanh khiết vô cùng giữa mảnh đất đỏ bazan mầu mỡ, ngút ngàn cà phê và cao su của đất Kon Tum. Trong cái khoảnh khắc thanh tịnh đó là sự tất bật, vui vẻ và đầy tình người của đại gia đình Tổ ấm Vĩnh Sơn 1. Các sơ ở đây tự tay xúc từng thìa bột cho trẻ nhỏ, muỗng cháo, ân cần như thể là những con người trong cùng một gia tộc, một huyết thống.

Sơ Ypyutxơ cho biết: Hiện tại Tổ ấm Vĩnh Sơn 1 đang là ngôi nhà chung của 184 con người bất hạnh và kém may mắn. Ngoài cưu mang trẻ nhỏ, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, không nới nương tựa thì hiện tại Tổ ấm Vĩnh Sơn còn là nơi tìm đến và trú ngụ của người già, không nơi nương tựa. Không chỉ ở đất Kon Tum mà giờ đây vòng tay nhân ái của tổ ấm đã vươn ra bao trùm toàn bộ đất cao nguyên, là nơi tìm đến của nhiều người.

Hiện tại để đảm bảo sinh hoạt và phục vụ cho 184 mảnh đời bất hạnh của Tổ ấm, ngoài các sơ thì còn phải nhờ tới sự chung tay giúp sức của những người giúp việc. Những người giúp việc này, ngoài thù lao được trả mỗi tháng thì phần lớn tâm nguyện của họ là được đóng góp.

Để đảm bảo cuộc sống cho cái đại gia đình này, ngoài một số hỗ trợ của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước các sơ và các em lớn tuổi ở đây còn tham gia sản xuất, chăn nuôi lợn gà để tạo nguồn thu cho “gia đình” của mình. Đến với Tổ ấm Vĩnh Sơn 1 bạn sẽ cảm thấy vui lòng với các hoạt động sản xuất ở đây. Dưới sự chỉ bảo và cất nhắc của các sơ mà các em đến tuổi lao động đứa nào việc ấy, răm rắp làm, răm rắp bảo ban nhau mà không có một sự so bi, không có một hiềm tỵ nào, cứ như tụi chúng là con cái, là anh em trong một gia đình có cùng cha mẹ vậy.

Hiện tại Tổ ấm Vĩnh Sơn còn là một “địa chỉ” để tìm đến cho những người kém may mắn. Ngoài những số phận có tình cảnh éo le như bé Pi Yo Rong, Tổ ấm Vĩnh Sơn còn dang rộng vòng tay để đón những sinh linh nhỏ bé bị cha mẹ vứt bỏ. Hiện nay trẻ nhỏ thuộc đối tượng này của Tổ ấm đã lên tới 30 em.

Khi tình thương đồng loại chắp cánh đã làm nên những điều diệu kỳ. Điều kỳ diệu này đang hiện hữu và trở thành chân lý được khẳng định ở Tổ ấm Vĩnh Sơn 1. Những mảnh đời bất hạnh như các em Y Dít, A Nương… là những hiện thân sống động về tình người nơi đây. A Dít thì bố mẹ ốm yếu không cưu mang được em, A Nương thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, trước tình cảnh này ai cũng nghĩ các em sẽ phải bỏ học, sẽ phải đi ăn nhờ ở đậu, thế nhưng khi được cưu mang thì nay đều được học hành và trở thành học sinh giỏi.

Thiện nguyện để chăm sóc từng bữa ăn cho trẻ.

Tình cho đi, chồi nẩy lộc

Mỗi người một thân phận, mỗi người một tình cảnh và phải khẳng định nếu không có tình người ở Tổ ấm Vĩnh Sơn thì người ta sẽ khó đoán định cho tương lai những thân phận ấy. Từ những đứa trẻ kém may mắn, được cưu mang, chúng đã được sống, vươn lên làm người, bớt cho xã hội những gánh nặng.

Hôm tôi tìm đến Tổ ấm Vĩnh Sơn cũng là ngày cuối tuần. Được nghỉ, không nề hà đường sá xa xôi các em như A Huyên, A Nương, Y Giêm… đều trở về nhà. Trong khung cảnh đầm ấm của một gia đình, các em cho biết, những ngày cuối tuần nếu không có việc bận thì họ em đều về nhà. Về để giúp các sơ trông các em, về để giúp các em còn ở lại đi nương đi rẫy để tạo thêm nguồn thu.

Bâng khuâng nán lại với Tổ ấm Vĩnh Sơn 1, tôi bịn dịn không muốn trở về vì những gì đã chứng kiến cho cái gọi là hết sức tình người đã níu chân tôi.

Đơn Thương