Chuyện tình như 'cổ tích' của nhà văn trẻ khuyết tật

Theo ANTG 30/12/2016 16:25

Gương mặt điển trai, cùng chiếc kính cận trông Đặng Đình Dũng toát lên vẻ thư sinh, trí thức, tạo cho người đối diện cảm giác gần gụi. Nếu nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ anh sẽ có cuộc sống an nhàn, đủ đầy. Nhưng số phận lại bắt anh phải chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ có nghị lực sống mãnh liệt và bên người tri kỷ anh mới không cam chịu sống cuộc đời vô vị, thừa thãi.

Chuyện tình như 'cổ tích' của nhà văn trẻ khuyết tật

Anh Dũng, chị Phương hạnh phúc ngày hôn lễ.

1. Chúng tôi về khu 3, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh (Hải Dương) hỏi thăm địa chỉ nhà vợ chồng anh Đặng Đình Dũng. Nhiều người dân biết tiếng vợ chồng anh nên chúng tôi tìm đến nhà không mấy khó khăn.

Bước qua hàng hiên, tôi thấy một người đàn ông ngồi trên xe lăn đang rửa bát đũa. Còn người phụ nữ chân bước tập tễnh đang hí húi dọn dẹp ở ngoài sân. Thấy có khách, anh liền dừng công việc, ra bàn pha nước mời khách. Dọn dẹp xong, người phụ nữ chân bước tập tễnh xách một thùng gì đó ra chỗ chiếc xe máy (được cải tiến thành xe mô tô ba bánh cho phù hợp với người khuyết tật) và nổ máy đi đâu đó.

“Đó là Phương, vợ em. Cô ấy là người Hà Nội, là cựu vận động viên bóng bàn. Gái Hà Nội nhưng mọi việc nặng nhẹ trong nhà đến công việc chăn nuôi, cô ấy đều làm hết, chẳng nề hà gì cả” - Dũng giới thiệu. Rồi câu chuyện cuốn chúng tôi vào quãng đời nhọc nhằn của một người khuyết tật cùng kết thúc có hậu của một tình yêu “cổ tích”.

Đặng Đình Dũng, 35 tuổi, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Theo lẽ thường con út, Dũng sẽ sung sướng vì được bố mẹ, các anh, chị chiều. Nhưng Dũng lại không có được may mắn ấy. Khi sinh ra, đôi chân của Dũng có biểu hiện bị bại liệt. Trong gia đình từ bố mẹ đến các anh chị buồn thắt ruột. Mặc dù, gia đình đã cố gắng chạy chữa cho Dũng hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng không khỏi. Sau đó là những chuỗi ngày vất vả, khổ cực và đầy nước mắt của bố mẹ Dũng trong hành trình nuôi con.

Đến tuổi đi học, nhìn các bạn tung tăng đến trường, học chữ bi ba bi bô, Dũng thèm lắm. Dũng tâm sự: “Lúc đó, em chỉ ước có phép màu để chân em khỏi. Có đôi chân lành lặn, khỏe mạnh, cứng cáp để được chạy nhảy, vui đùa và được đi học như chúng bạn”.

Thương con nhưng bố mẹ Dũng cũng chẳng biết làm thế nào, vì sức khỏe của Dũng không cho phép. Mãi đến năm 8 tuổi, trước nỗi khát khao cháy bỏng được đi học của con, bố mẹ Dũng đành chiều lòng. Từ đó, ngày ngày bố mẹ, anh, chị và bạn bè thay nhau cõng Dũng đến trường.

Những ngày đầu, Dũng hay bị bạn bè trêu ghẹo và gọi “thằng què”, khiến Dũng rất tủi thân. Trong lớp, Dũng chơi thân với một người bạn tên là Bình.

Mặc dù nhà Bình cách nhà Dũng hơn 1 km nhưng suốt những năm học tiểu học rồi THCS, Bình luôn ở bên, cõng bạn đến trường.

Đến năm lớp 5, Dũng được tặng một chiếc xe lăn, Bình lại đồng hành, bằng việc đẩy xe giúp bạn. “Bình rất tốt, nhiệt tình với bạn bè. Ngoài cõng, đẩy xe lăn đưa em đến trường, ai trêu, bắt nạt em là Bình can thiệp ngay. Nếu không có bạn ấy, việc học tập của em sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Dũng cho biết.

Biết mình khuyết tật, lại học muộn tuổi so với các bạn nên Dũng rất chăm học. Năm học nào Dũng cũng đạt học sinh giỏi, có năm còn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Cho con đi học, bố mẹ Dũng cũng chỉ mong con mình biết chữ, biết đọc, biết viết thôi. Nay, thấy con học giỏi, bố mẹ Dũng mừng lắm.

Những năm cuối bậc THPT, Dũng băn khoăn trong việc chọn con đường để vào đời. Được thầy cô, bạn bè tư vấn và thấy việc học ngành kế toán là phù hợp hơn cả, bởi công việc này chỉ cần đầu óc tính toán là chính, ít phải đi lại. Nghĩ vậy, Dũng làm hồ sơ đăng ký thi vào khoa kế toán, trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hải Dương.

Ngày nhận giấy báo đỗ, Dũng mừng rơi nước mắt. Bố mẹ, anh chị, bạn bè cũng mừng cho anh. Trải qua 3 năm học, đến năm 2004 Dũng tốt nghiệp ra trường, anh xin vào làm việc tại một doanh nghiệp cách nhà 3-4 km. Từ đây, Dũng bắt đầu bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời đầy chông gai thử thách phía trước.

2. Qua những câu chuyện, chúng tôi phát hiện anh rất ham mê văn chương chữ nghĩa. Dũng coi văn chương như một điểm tựa tinh thần của cuộc đời.

Dũng tâm sự: “Vì không đi lại, chạy nhảy, nô đùa như chúng bạn được, để giải trí em tìm đến với sách, báo. Em đọc nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng thế giới như Victor Hugo, Balzac, trong nước em đọc Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Khi đọc, gặp những câu văn hay, em đọc nhiều lần và ghi lại vào một cuốn sổ, để ngẫm ngợi, để học hỏi”.

Nhờ đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học, đã giúp Dũng thanh lọc tâm hồn, yêu đời, yêu sống hơn, để bản thân không rơi vào tâm trạng bi quan, bế tắc. Dũng bảo nếu không có sách báo, văn chương, chẳng biết bản thân có đủ lạc quan để vượt qua những lúc khó khăn của cuộc đời hay không.

Từ đam mê đọc sách đã đưa đường dẫn lối anh đến công việc sáng tác văn chương. Niềm đam mê viết truyện đến như một nhu cầu tất yếu, một “liệu pháp” tinh thần giúp Dũng thêm yêu cuộc đời. Ban đầu, Dũng cầm bút để viết lên những suy nghĩ cảm xúc của mình về cuộc sống. Dần dần, Dũng xây dựng cốt truyện, sắp xếp bố cục để viết thành truyện ngắn.

Dũng kể: “Em có truyện ngắn đầu tiên được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đang học cấp 3. Hồi đó, nhà thơ Hoàng Cát biên tập, chỉnh sửa và phát trên Đài. Được nghe truyện của mình trên Đài, em vui lắm. Lâng lâng mấy ngày. Bố mẹ, anh chị, người thân, bạn bè cũng vui lây cho em”.

Có truyện được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như tiếp thêm động lực thúc đẩy Dũng tiếp tục sáng tác. Những truyện ngắn mới liên tiếp ra đời và được đăng trên nhiều báo, tạp chí như Áo trắng, Sinh viên, tạp chí Văn nghệ Hải Dương...

Chất lượng các tác phẩm của Dũng ngày càng được nâng lên. Năm 2003, Dũng được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, sinh hoạt ở chi hội Ban Văn xuôi ngay khi còn học ở trường Cao đẳng. Dũng là hội viên trẻ nhất được kết nạp lúc bấy giờ.

Được hội hỗ trợ kinh phí, năm 2006, Dũng xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Ghế đá bên hồ”. Tập truyện gồm 16 truyện ngắn là những tác phẩm được đăng rải rác trên các báo, tạp chí trong mấy năm bước vào con đường sáng tác văn chương. Nhưng sau đó, vì gánh nặng mưu sinh cơm áo nên Dũng viết ít hơn.

Tuy nhiên, đến nay Dũng cũng đã “bỏ hòm” cho mình mấy chục truyện ngắn và mấy truyện dài. Dũng cho biết: “Mục đích của em bây giờ tập trung làm kinh tế để lo cuộc sống. Khi nào kinh tế vững vàng, ổn định, em sẽ in sách và chuyên tâm viết văn thôi”.

Chuyện tình như 'cổ tích' của nhà văn trẻ khuyết tật - 1

Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, Internet, mạng xã hội, Facebook nên Dũng cũng quen được khá nhiều bạn bè mới. Trong đó có một cô bạn ở quận Hà Đông (Hà Nội). Qua những lần “chát” với nhau, Dũng càng hiểu hơn về người bạn gái này.

Người bạn gái tên là Nguyễn Thị Phương (33 tuổi), vận động viên (VĐV) bóng bàn khuyết tật của TP Hà Nội. Cô là con thứ tư trong một gia đình có 5 người con, 4 gái, 1 trai.

Năm lên 3 tuổi, trong một lần ốm nằm viện, Phương bị lây vi rút từ một bệnh nhân khác, hậu quả, một chân cô bị khuyết tật. Mặc dù gia đình cô cố gắng chạy chữa nhưng không khỏi. Từ đó, cô đành phải sống chung với một bên chân dị tật, cùng những bước đi tập tễnh.

Dũng cũng chia sẻ thông tin về bản thân mình cho bạn về hoàn cảnh của mình. Đồng cảm với những thiệt thòi, mất mát của nhau, cả Dũng và Phương nhanh chóng thân thiết. Rồi hai người hò hẹn, gặp gỡ nhau ngoài đời.

Dũng lên Hà Nội để gặp bạn. Những ngày tháng sau đó, những chuyến đi từ Hải Dương - Hà Nội đã trở lên thường xuyên, đã đưa họ đến với nhau gần hơn. Tình yêu từ đó nhen lên trong tim mỗi người.

Một chuyện tình đẹp như cổ tích của những số phận chịu nhiều mất mát, thiệt thòi lại không được gia đình ủng hộ. Khi đề cập đến chuyện kết hôn, gia đình hai bên đều phản đối, nhất là gia đình Phương.

Họ nói rằng con gái họ đã khổ, đã thiệt thòi nhiều, và muốn chọn cho con mình người chồng, người vợ lành lặn, khỏe mạnh để nương tựa.

Phương tâm sự: “Chúng em đến với nhau, thành vợ thành chồng là cả một quá trình gian khổ, đầy nước mắt đắng cay, chẳng thể nào tả hết được đâu anh. Chúng em cũng xác định rồi, dù có thế nào chúng em vẫn đến với nhau”.

Sau 1 năm quen và yêu nhau, năm 2009 mặc dù hai gia đình phản đối nhưng Dũng và Phương quyết định về chung một mái nhà. Hai gia đình chỉ có lễ nhỏ để ra mắt nhau thôi, chứ không phông rạp, không nhạc xập xình, không hoa, không áo cưới cô dâu. Còn gì buồn tủi hơn khi trong ngày cưới mà người con gái không được mặc áo cô dâu. Họ đến với nhau như vậy, đầy đắng chát, tủi hờn.

“Một mặt, bọn em vừa thuyết phục gia đình. Một mặt chúng em, nhất là em phải chứng minh bản thân trong cuộc sống, bằng chính sức lực của mình để vươn lên, không nhờ vả, dựa dẫm ai”, Dũng cho biết.

Chuyện tình như 'cổ tích' của nhà văn trẻ khuyết tật - 2

Anh Dũng và cháu Gia Huy.

Để vợ chồng được gần nhau, Dũng nghỉ việc ở Hải Dương lên Hà Nội với vợ. Hai vợ chồng anh thuê nhà trọ ở quận Hà Đông. Hằng ngày Dũng đi làm kế toán doanh nghiệp, còn vợ đi tập bóng bàn.

Thu nhập từ lương kế toán của Dũng và lương VĐV của vợ tuy không cao nhưng do biết tiết kiệm cũng tạm đủ sống. Nếu cứ mãi thế này cuộc sống sẽ chẳng đi đến đâu, vì vậy năm 2010, vợ chồng Dũng quyết định về quê ở khu 3, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh (Hải Dương) để sinh sống.

Thời gian đầu về quê, để ổn định cuộc sống, Dũng vẫn nhận làm kế toán cho các doanh nghiệp trên Hà Nội và ở địa phương. Hai vợ chồng Dũng còn đầu tư nuôi gà cảnh, chó cảnh để kinh doanh, làm đại lý bán xổ số, bán hàng quần áo online...

Cuối năm 2010, vợ chồng Dũng xây nhà 2 tầng, với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Số tiền mà Dũng và Phương tích cóp trong suốt những năm qua. Nhìn ngôi nhà mới của vợ chồng Dũng, mọi người ai cũng ngỡ ngàng, khâm phục trước ý chí, nghị lực của đôi vợ chồng khuyết tật này.

Năm 2011, vợ chồng Dũng sinh được một quý tử Đặng Gia Huy. Cháu bụ bẫm, đáng yêu khiến ai cũng mừng. Chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng Dũng đã làm được nhiều việc lớn như ổn định cuộc sống, làm nhà, sinh con... mà ngay cả những người khỏe mạnh bình thường cũng phải nỗ lực trong nhiều năm.

Cũng trong năm 2011, vợ chồng anh quyết tâm thực hiện “giấc mộng chưa thành”, đó là nhà văn trẻ Đặng Đình Dũng mặc áo vest chú rể, còn cựu VĐV bóng bàn Nguyễn Thị Phương mặc áo cưới cô dâu.

Một đám cưới do chính họ tổ chức. Đám cưới tuy muộn nhưng rất vui, có tiếng nhạc xập xình, có đông đủ bạn bè về dự. Cô dâu, chú rể nhận lời chúc hạnh phúc của người thân hai bên nội, ngoại và bạn bè. Một cái kết đẹp cho một chuyện tình ngỡ như là cổ tích của nhà văn trẻ Đặng Đình Dũng.

Hiện tại, vợ chồng Dũng đang dự định mở rộng quy mô nuôi gà cảnh, chó cảnh để kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan đối với vợ chồng anh nhưng chúng tôi tin với nghị lực, ý chí mãnh liệt họ sẽ vượt qua để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo ANTG