Nông dân Hà Nội hào hứng với mô hình chè theo tiêu chuẩn VietGap

Theo Hoinongdan.org.vn 01/01/2017 21:00

Trong những năm qua, cây chè đang dần trở thành loại cây trồng chủ lực tại một số xã trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Ba Trại (huyện Ba Vì), Hòa Thạch (huyện Quốc Oai)…

Nông dân Hà Nội hào hứng với mô hình chè theo tiêu chuẩn VietGap

Nhiều mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP mở ra hướng đi mới cho nông dân ngoại thành Hà Nội.

Theo thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 3.000 ha đất sản xuất chè. Trước đây, việc sản xuất chè tại các địa phương còn mang tính tự phát, với quy mô nhỏ, trồng phân tán và xen kẽ; chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cũng như chưa có các giống chè chất lượng cho năng suất cao. Cách làm mới hiện nay là ngành Nông nghiệp tập trung vào xây dựng nhiều mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP.

Huyện Ba Vì là đơn vị đi đầu, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng này. Cây chè hiện đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Có được những kết quả trên là nhờ lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc quy hoạch, lựa chọn giống chè có năng suất, chất lượng cao để trồng mới và thay thế cho các nương chè già cỗi; đồng thời, tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Do đó, đã dần từng bước khẳng định được thương hiệu chè Ba Vì trên thị trường.

Hiện nay, huyện đã xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các xã: Yên Bài, Thuần Mỹ với quy mô 50 ha chè an toàn và 10 ha chè VietGap.

Ngoài ra, còn tiến hành trồng mới và trồng thay thế được 20 ha khác. Sau đó, huyện tiếp tục mở rộng thêm tại các xã Ba Trại, Cẩm Lĩnh với quy mô đến năm 2016 đạt 176 ha. Đây đều là các mô hình trồng mới, trồng thay thế, thâm canh chè an toàn theo hướng VietGap và mô hình cơ giới hóa trong sản xuất chè an toàn bước đầu đem lại nhiều thành công.

Theo ông Bạch Công Tiến- Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Cây chè mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho hơn 10.000 lao động, đồng thời có đóng góp lớn vào quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ xây dựng được 3 vùng chè gắn với vùng du lịch sinh thái gồm: Ba Trại, Vân Hòa- Yên Bài và Minh Quang - Khánh Thượng. Qua đó, sẽ đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu khoảng 4.000 tấn chè các loại mỗi năm...

Hiệu quả tương tự là các mô hình trồng chè an toàn tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Hàng trăm hộ dân nơi đây cũng đang vươn lên làm giàu từ việc xây dựng thành công nhãn hiệu chè sạch.

Ông Nguyễn Hữu Hồng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn chia sẻ: Trước đây, các hộ trồng chè canh tác theo phương pháp truyền thống (gieo trồng bằng hạt).

Bên cạnh đó, việc bán sản phẩm thô chưa qua sơ chế dẫn đến sản phẩm làm ra phải bán với giá thành thấp do không có thương hiệu.

Từ năm 2012, khi Hội Nông dân xã đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp thì xã viên mới chính thức thực hiện theo mô hình VietGAP.

“Đến nay, HTX đã xây dựng được thành công nhãn hiệu “Chè Bắc Sơn”. Đây là một trong những nhãn hiệu nông sản đặc sản của Hà Nội. HTX hiện cũng đang quản lý 100 hộ nông dân với 30 ha chè an toàn và 10 ha chè VietGAP”- Ông Hồng nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu ý kiến của những người trồng chè tại đây, đa số bà con nông dân đều cho rằng việc chăm sóc chè theo cách làm của VietGap mặc dù có tốn nhiều công sức hơn, tuy nhiên bù lại thì bà con thu hoạch được lượng búp chè nhiều hơn.

Các hộ dân đều cho rằng, lượng búp đã tăng ít nhất từ 15- 20%; thêm vào đó, chất lượng chè ngon hơn, do đó giá bán được cũng cao hơn.

Giá trị thu nhập từ các mô hình trồng chè theo hướng VietGAP tăng khoảng 40% so với cách sản xuất cũ, nếu cứ tính năng suất bình quân khoảng 1,8 tấn/ha/năm thì hiệu quả kinh tế sẽ đạt được 248 triệu đồng/ha/năm.

Nhận thấy giá trị của cây chè trong phát triển kinh tế của địa phương, xác định đây là cây trồng mũi nhọn, cây làm giàu cho nông dân nên các cấp, các ngành đang tích cực để nhân rộng thêm nữa những mô hình sản xuất chè sạch.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp tích cực với các địa phương tổ chức liên kết các cơ sở với doanh nghiệp nhằm tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Thông qua đó để kiểm soát chặt chẽ đầu ra của sản phẩm, tránh việc trà trộn chè được chứng nhận VietGAP với chè thông thường gây mất lòng tin của người tiêu dùng cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.

Theo Hoinongdan.org.vn