Tình yêu với tờ báo mình từng gắn bó
Sau khi nghỉ hưu ở báo Đại Đoàn Kết, nhà văn Lê Quang Trang đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Ông tiếp tục sự nghiệp làm thơ, viết văn mà những năm tháng làm báo bận rộn ít nhiều có bị xao nhãng. Từ phương Nam, ông gửi gắm tình cảm với tờ báo đã từng gắn bó trên cương vị Tổng biên tập.
Nhà văn Lê Quang Trang.
PV: Thưa ông, mối quan hệ giữa báo Đảng và báo Mặt trận đã có nhiều cơ duyên gắn bó từ trong lịch sử. Nhiều cán bộ phóng viên báo Cứu Quốc – Giải Phóng đã chuyển sang làm việc ở báo Nhân Dân, báo Sài Gòn giải phóng. Sau này, tiếp nối truyền thống ấy, ông còn nhớ cảm xúc khi từ báo Nhân Dân chuyển về làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết?
Nhà văn Lê Quang Trang: Báo Cứu Quốc, danh nghĩa là Cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (thường gọi tắt là Việt Minh), ở giai đoạn đầu thành lập, những người chỉ đạo, lãnh đạo báo đều là những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng. Thời kỳ Đảng rút vào bí mật 1945-1951, Tiếng nói của Mặt trận cũng chính là tiếng nói của Đảng và có giai đoạn Cứu Quốc là tờ báo duy nhất của cách mạng ra hằng ngày, gánh luôn cả nhiệm vụ của báo Đảng, báo Mặt trận. Có điều này là sự thống nhất về nhiệm vụ chính trị, về phương thức tập hợp lực lượng. Vì thế, về nhân sự cũng có quan hệ mật thiết, nhiều nhà báo vốn là người của báo Cứu Quốc như Hồng Hà, Chính Yên… chuyển sang làm báo Nhân Dân, và ngược lại, nhiều nhà báo từ Nhân Dân, Hà Nội mới như Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Ngọc Kha, Lê Điền… được điều động sang gánh vác nhiệm vụ tại Cứu Quốc. Ở chiến trường miền Nam, tình hình cũng có nét tương tự. Các nhà báo Thép Mới, Vũ Tuất Việt, Đinh Phong… từ báo Nhân Dân vào Nam làm báo Giải Phóng. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhiều nhà báo từ Giải Phóng sang làm báo Sài Gòn giải phóng, trong đó có nhà báo Tô Hòa (Năm Phượng) vốn là người của báo Cứu Quốc sang đảm nhiệm chức trách Tổng Biên tập Sài Gòn Giải phóng. Những số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên (5/5/1975 đến 20/5/1975) ra đời tại thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, là do những người làm báo Giải Phóng thực hiện, sau 12 số mới bàn giao cho Khu ủy Sài Gòn tiếp tục. Nhiều năm sau, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, chức năng và nhiệm vụ ngày càng tách bạch, thì sự phân biệt mới rõ ràng hơn.
Phần mình, khoảng cuối năm 2001, tôi đang là Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần, một hôm, Tổng biên tập Đinh Thế Huynh đi họp về, mời tôi lên phòng làm việc, thông báo, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có ý muốn xin tôi về Đại Đoàn Kết. Anh Huynh nói “Bây giờ quả bóng ở chân anh, đi hay ở là do anh quyết định”.
Tôi vui, vì biết rằng mình cũng có sự tín nhiệm nào đấy, hơn nữa, đây là một cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động nghề nghiệp, song cũng thoáng chút phân vân và lo lắng, vì sang một tờ báo mới, với những chức năng nhiệm vụ mới, làm sao cho xứng đáng với tờ báo giàu truyền thống lại phải đáp ứng tốt yêu cầu của bạn đọc hiện tại. Nhưng tôi nhận lời. Ít hôm sau, anh Nguyễn Túc thay mặt Ban Thường trực Mặt trận, sang làm việc cụ thể thêm một bước với Ban biên tập báo Nhân Dân, và sau đó, tôi về với Đại Đoàn Kết, được bổ nhiệm là Tổng biên tập.
Làm báo Mặt trận có việc gì khó và khác trong dòng chảy chung của báo chí không, thưa ông?
- Báo Đại Đoàn Kết là tờ báo có vai trò và vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội và báo chí, nhưng cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, số lượng phát hành chưa lớn, kinh phí hoạt động còn eo hẹp, nên sức thu hút đối với đội ngũ phóng viên biên tập tại chỗ cũng như xã hội còn hạn chế. Nhưng về đó sau một thời gian ngắn, tôi vui mừng nhận thấy đội ngũ phóng viên, biên tập trẻ của báo rất say mê với nghề, tự biết mình là “con nhà nghèo”, họ sẵn sàng vượt lên khó khăn để có được những tin, bài, ảnh tốt.
Tôi thường nghĩ, báo Mặt trận là tiếng nói của Dân, là cầu nối giữa Dân và Đảng, với tầng lớp lãnh đạo. Thực tế trong xã hội chúng ta, mối quan hệ Dân với Đảng nói chung là thống nhất, nhưng không phải không có những lúc, những nơi, còn nhiều vấn đề, sự kiện bức xúc, mâu thuẫn, cần phải tháo gỡ, giải quyết. Người làm báo Mặt trận cần đứng trên lập trường, lợi ích của Nhân dân mà thông tin, suy nghĩ, bàn luận, đề xuất giải pháp, trước hết là để làm tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là thực hiện tốt công tác phản biện, giám sát mà xã hội và hệ thống chính trị giao cho Mặt trận.
Ngoài những cái khó chung mà các cơ quan báo đều phải đối diện, làm báo Mặt trận còn cần một năng lực mạnh mẽ là dũng cảm, dũng cảm lao vào những nơi gai góc để phát hiện vấn đề, dũng cảm trình bày chính kiến của mình một cách trung thực, để rồi thông qua con đường bàn luận, đối thoại để thuyết phục, chứ không phải bằng biện pháp áp đặt, mệnh lệnh. Với Dân đã là khó, mà với lãnh đạo lại càng khó, vì từ lâu trong đời sống chưa quen với nếp nghĩ và chưa thuận đối với những công việc kiểu này.
Nghỉ hưu, ông còn theo dõi báo Đại Đoàn kết đều không, điều gì trong việc làm báo ở giai đoạn hiện nay mà ông nghĩ rằng đã khác với trước kia?
- Tôi vẫn đọc và theo dõi báo Đại Đoàn kết đều, phần vì sự tình yêu với cơ quan từng nhiều năm gắn bó, lại được Ban biên tập quan tâm, gửi tặng các ấn phẩm đều. Quan hệ của tôi với báo nói chung là ấm áp. Tôi rất vui vì thấy báo ta ngày càng phát triển. Từ hai, ba kỳ/ tuần, rồi tăng trang, ra hằng ngày, còn có Chuyên đề Dân tộc dành cho các dân tộc thiểu số, ấn phẩm Tinh hoa Việt xuất bản hằng tháng, rồi mở rộng khổ, tăng lên mỗi tháng 2 kỳ. Báo điện tử ra đời ngày càng hoàn thiện và cập nhật hơn. Qua các ấn phẩm tôi mừng vì sự phát triển của báo trong giai đoạn mới mà cũng thấy được nhiều vấn đề về lòng dân trong giai đoạn hiện tại. So với năm, mười năm trước, ý thức dân chủ trong xã hội đã tiến lên rất nhiều, nhưng các đời sống cũng phức tạp hơn rất nhiều. Rất nhiều cạm bẫy cám dỗ ngòi bút, nếu không tỉnh táo sẽ dễ dàng vấp ngã, hoặc bị lôi cuốn vào vòng xoáy mà nhà báo có lương tâm không thể hùa vào vì háo danh hay vụ lợi.
Đặc biệt, tôi thường nghĩ nhiều đến phương thức làm báo mới trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ mới. Có những vấn đề, như sự cạnh tranh của báo điện tử và sản phẩm nghe nhìn với báo truyền thống, trước đây, với thế hệ chúng tôi mới chỉ là tín hiệu, là mầm mống, thì nay bùng phát và len lỏi mọi ngõ ngách, chi phối hết sức mạnh mẽ, tạo ra những xung đột gay gắt, nếu không chủ động và năng động nắm bắt, tìm ra phương thức thích ứng kịp thời thì sẽ rất dễ bị hất ra khỏi quỹ đạo. Thực tế không ít những tờ báo lớn, có truyền thống lâu đời ở các quốc gia phát triển, phải chuyển hướng hoạt động hoặc đóng cửa.
Ông dành tình cảm và gửi gắm điều gì đến những phóng viên trẻ trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc?
- Ở nước ta, một tờ báo có lịch sử 75 năm hoạt động liên tục là một trường hợp đặc biệt, vì vậy Cứu Quốc cho ta niềm tự hào và nhiều bài học rất quý về nghề báo. Có những điều như là nghịch lý nhưng lại là sự thật, đó là những lúc khó khăn gian khổ nhất, thiếu thốn nhất, như thời kỳ trước khi cách mạng thành công, hay trong kháng chiến chống Pháp, lại là lúc tờ báo có sức cuốn hút, chiếm lĩnh lòng người, có vị thế và uy tín cao, tác động mạnh mẽ tới đời sống, nhất là lĩnh vực chính trị. Được làm việc ở một cơ quan báo có truyền thống vinh quang như thế là một niềm vinh dự. Ngày nay trong sự phát triển mạnh của truyền thông, tình hình đã khác đi rất nhiều, nhưng muốn làm việc hiệu quả, đóng góp tốt cho báo, thì việc tích lũy lòng say nghề, nuôi khát vọng lớn, rèn luyện kỹ năng tinh thông, tăng thêm nghị lực suốt cuộc đời, vẫn là những phẩm chất cốt lõi của người làm báo, nhất là với những nhà báo trẻ.
Ông có thể nói đôi điều về công việc và dự định của ông hiện nay?
- Mười năm nay, nghỉ hưu, không có điều kiện gắn sát những vấn đề thời sự để làm báo như trước, tôi tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn chương, một công việc song song khi tôi làm báo. Cho đến năm vừa qua, tôi đã hoàn thành tốt một nhiệm kỳ với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, và một vài công việc khác, để bây giờ tập trung cho sáng tác. Những tập thơ mới xuất bản gần đây như Ngây thơ trẻ nhỏ (dành cho thiếu nhi), Gió vẫn thổi về từ biển hay trường ca Biển xanh vẫy gọi (2016) là những cảm xúc, tâm sự, suy nghĩ của cá nhân tôi, cũng là ý tưởng của thế hệ mình, nói với hiện tại, và lời trao gửi thế hệ sau; mặt khác, tôi cũng dành những hiểu biết, thời gian và tâm huyết, viết những tiểu luận phê bình về các chân dung văn nghệ nổi bật, các vấn đề bức xúc và cốt lõi nhất của văn học nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được tập hợp in trong tập sách Nghĩ và viết ở phương Nam, nơi vùng đất gia đình tôi hiện đang sinh sống.
Tôi cũng còn một vài dự định viết về mảng hiện thực từng trải nghiệm, bày tỏ những suy nghĩ từng trăn trở nhưng chưa có dịp thể hiện thành con chữ, thì nếu trời cho mạnh khỏe, đây chính là dịp để hoàn thành những công việc ấy trong thời gian sắp tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông và kính chúc ông sức khỏe!