Phát huy sức mạnh dựa vào cộng đồng
Bền bỉ suốt 8 năm qua, dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do Bộ Y tế giao cho trường ĐH Y tế Công cộng triển khai đã giúp cho hàng nghìn nạn nhân hoà nhập và tái hoà nhập cộng đồng.
Những cuộc đời tưởng chừng như tuyệt vọng nay được phục hồi sức khoẻ, tự tin vui sống chính là phần thưởng lớn lao nhất dành cho nỗ lực không mệt mỏi của Ban quản lý dự án cũng như các tổ chức phối hợp.
Đặc biệt là các cộng tác viên là người trực tiếp gắn bó với từng nạn nhân/ người khuyết tật (NN/NKT) đã góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh để lại.
Tập huấn cho cộng tác viên về phục hồi chức năng cho NN/TKT.
Hành động vì cộng đồng
Quảng Ngãi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 47.000 NKT; trong đó có trên 21 nghìn người do nhiễm chất độc hoá học/dioxin; gần 8 nghìn trẻ em khuyết tật về vận động, về mắt và bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch.
Cuộc sống của những NN/NKT này vô cùng khó khăn. Nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, thông qua Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, nhiều nạn nhân đã được đến các bệnh viện để khám chữa bệnh và phục hồi chức năng (PHCN).
Cụ thể, trong năm 2016 đã có trên 40 lượt bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện đa khoa Đặng Thuỳ Trâm, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa.
Đặc biệt, hoạt động PHCN tại nhà và theo dõi các đối tượng có nguy cơ cao nhằm phát hiện và can thiệp sớm được các cán bộ dự án tích cực triển khai thực hiện.
Cụ thể, các cộng tác viên sau khi đã được tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng về PHCN tại cộng đồng được xã phân công phụ trách cụm dân cư.
Mỗi cộng tác viên phụ trách 2-3 xóm/đội sản xuất và chịu trách nhiệm quản lí, theo dõi, hướng dẫn, tập luyện, cung cấp tài liệu PHCN cho 10 gia đình NN/NKT có nhu cầu PHCN. Đồng thời hướng dẫn gia đình làm dụng cụ trợ giúp cho NN/NKT.
Báo cáo của dự án cho biết, 630 người bị bệnh tâm thần phân liệt trên toàn tỉnh được các cộng tác viên thường xuyên nhắc nhở sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với những trẻ khuyết tật chưa được đi học, cộng tác viên liên hệ với nhà trường để đưa trẻ đến trường học tập ở các trường học của địa phương.
Những NN/NKT đến tuổi lao động được học nghề và tạo điều kiện về việc làm ở một số ngành nghề phù hợp như nghề thủ công mây tre đan…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ các NN/NKT PHCN song dự án còn có những khó khăn nhất định.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Trưởng Ban quản lý Dự án tỉnh Quảng Ngại cho biết: Hiện nay do một số địa bàn rộng, NN/NKT đông nhưng mạng lưới cộng tác viên chỉ có 3 cộng tác viên/xã, riêng huyện Sơn Tịnh (cũ) 10 cộng tác viên/xã khiến công tác triển khai còn khó khăn.
Trong khi đó, một số nạn nhân tuy có nhu cầu PHCN tại viện nhưng do hoàn cảnh neo đơn hoặc người nhà khó khăn về kinh tế phải lo toan cho cuộc sống, hoặc không có người nhà hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện để được điều trị và phục hồi.
Đây cũng là khó khăn chung của các đơn vị khác trong triển khai Dự án. PGS. TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam, cố vấn cao cấp của dự án nói: “Hiện nay sự phân bố nhu cầu PHCN và cán bộ PHCN tại các tuyến chênh lệch khá lớn. Trong đó tuyến Trung ương có số lượng cán bộ chiếm đa số, khoảng 79- 85% cán bộ thì số người có nhu cầu phục hồi chỉ từ 1- 5%. Ngược lại, ở tuyến xã sự phân bố cán bộ hầu như không có thì tỷ lệ người có nhu cầu lại rất cao chiếm từ 75-80%.
Tiếng nói từ cơ sở
Từ thực tế đó, Dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã lập kế hoạch tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật PHCN tại cộng đồng cho các cán bộ chủ chốt tuyến tỉnh/huyện. Riêng tại 6 tỉnh triển khai dự án đã tổ chức tập huấn cho các cộng tác viên và triển khai hoạt động PHCN tại nhà cho NN/NKT tại các huyện trong dự án.
Hiện số cộng tác viên PHCN tại cơ sở thôn/ấp tham gia hướng dẫn, tập luyện PHCN tại hộ gia đình tại sáu tỉnh là 1.158 người, trong đó Thái Bình là 333 CTV, Quảng Ngãi là 375 CTV & Đồng Nai là 294 CTV, Lào Cai 45 CTV, Quảng Nam 45 CTV, Bến Tre 66 CTV.
Tổng số NKT được hướng dẫn PHCN tại hộ gia đình tại sáu tỉnh là 13.169 người trong đó Thái Bình là 5.681 người, Quảng Ngãi là 2.575 người, Đồng Nai là 3.528 người, Lào Cai 448 người, Quảng Nam 450 người, Bến Tre 487 người.
Theo đánh giá của các tỉnh, nhiều NN/NKT đã có tiến bộ trong tập luyện PHCN/hoà nhập xã hội, sức khoẻ được cải thiện sau khi tham gia vào dự án.
Lúc đầu, nạn nhân và NKT không thể tự thực hiện được các hoạt động vận động/giao tiếp/sinh hoạt hằng ngày/hoà nhập xã hội, sau quá trình tập luyện PHCN họ đã có thể tự thực hiện được với sự trợ giúp của người thân trong gia đình, dụng cụ trợ giúp hoặc tự mình thực hiện được các hoạt động mà không cần trợ giúp.
“Sau các khóa tập huấn, các cộng tác viên đã được trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể tiến hành các hoạt động hỗ trợ NKT PHCN tại nhà. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai hoạt động cho thấy, đa số cộng tác viên còn nhiều bỡ ngỡ với công tác này, và cần được hỗ trợ chuyên môn hơn nữa từ tuyến trên trong quá trình triển khai PHCN tại nhà” - TS Nguyễn Thị Minh Thuỷ, cán bộ dự án đề xuất.
Bên cạnh đó, hiện nay mức thù lao hỗ trợ cho cộng tác viên còn thấp (100.000 đồng/tháng) nên một số cộng tác viên vì điều kiện kinh tế đã không thể gắn bó với công việc. Vì vậy, Ban quản lý dự án kiến nghị cần có chế độ khuyến khích thoả đáng hơn nữa cho các cộng tác viên PHCN tại cộng đồng.