Vời gọi người tài
Trọng dụng nhân tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đặc biệt, đất nước đang tiến hành công cuộc Đổi mới, tăng tốc phát triển thì việc đó lại càng quan trọng. Nhưng tại sao nhân tài vẫn ít được tuyển dụng, trọng dụng là một việc rất đáng suy ngẫm; trong khi khâu bổ nhiệm cán bộ thời gian qua đã bộc lộ không ít bất cập.
Niềm vui ngày tốt nghiệp.
Mới đây, tại bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước”, có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, nhiều nhà giáo dục.., chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc không phải mới, song lâu nay thực hiện chưa thực sự hiệu quả như mong đợi- là do những người làm chính sách chưa thực sự lắng nghe những người họ muốn thu hút về.
Vẫn theo ông Nhạ, lâu nay việc thu hút người Việt Nam trở về đâu đó chỉ là ý chí của người lãnh đạo hoặc một vài chính sách được đề xuất chưa xuất phát từ thực tiễn. Vì thế cách tiếp cận của Bộ lần này là “đi từ dưới lên”, phải xuất phát từ thực tiễn, chứ không ra chính sách chung chung.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài có thể chia làm 2 nhóm đối tượng để thu hút: Nhóm thứ nhất là những nhà khoa học người Việt Nam đã làm việc lâu năm, có tên tuổi nhất định trong lĩnh vực của mình; nhóm thứ hai là những du học sinh trẻ tuổi vừa tốt nghiệp tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ. Với đặc thù của mỗi nhóm, Chính phủ nên có chính sách thu hút riêng.
Dẫn chứng gần 100% số học sinh Việt Nam đi thi đều đạt được giải tại các cuộc thi Olympic quốc tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, nhân tài của ta không thiếu, tuy nhiên có một số người được giải khi về nước lại không vào được cơ quan nhà nước, trong đó có các trường đại học, viện nghiên cứu mà lại vào doanh nghiệp để có thu nhập cao hơn.
Tỷ lệ về nước phục vụ đất nước còn rất thấp, nhiều người ở lại nước ngoài sinh cơ lập nghiệp. Chúng ta đã hội nhập toàn thế giới nên điều kiện làm việc ở đâu tốt thì họ có quyền lựa chọn, tuy nhiên cần đặt vấn đề ngược lại tại sao họ không muốn về nước?
Theo ông Tiến, đó là do chính sách thu hút hiền tài, còn có vấn đề, rõ ràng mạch lạc để thu hút. “UBND TP.Hà Nội và Bộ GD-ĐT đã vinh danh một số thủ khoa tại các trường đại học nhưng sử dụng không được bao nhiêu. Thủ khoa phải chật vật đi xin việc nghĩa là chủ trương đang có vấn đề”- theo ông Tiến.
Ông Tiến cũng cho rằng, người có tài năng đôi khi không vì đồng lương mà cần được tôn trọng và điều kiện làm việc, để cống hiến. Do đó cần sự đánh giá công bằng giữa các thành viên, nhìn nhận khách quan chứ không phải đề bạt bổ nhiệm đối với người nhà, người thân trong khi chưa chịu nhìn nhận người tài năng.
Từ đó ông Tiến kiến nghị: Có thể Quốc hội ra một Luật về ưu đãi người tài năng, Chính phủ phải có Nghị định về vấn đề này, và Bộ GD-ĐT phải có Thông tư hướng dẫn người tài năng sẽ được ưu tiên tiếp nhận sử dụng đãi ngộ cất nhắc như thế nào chứ không phải tuyển dụng, bổ nhiệm kiểu “quan hệ, tiền tệ, ngoại tệ” sau đó mới đến trí tuệ. Nếu chính sách sử dụng như vậy sẽ không thể có người tài.
Cùng chung quan điểm, theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì cần phải có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thật lòng, thậm chí phải vời người ta đến chứ không phải gọi người ta đến. Càng không đơn thuần ở việc thi tuyển, tuyển dụng khi mà đây là vấn đề còn bất cập.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trước hết cần quan niệm người tài có phải là người có bằng cấp hay không? Hiện nay chúng ta chỉ dựa vào bằng cấp là không đúng, mà người tài phải có dự án, công trình đóng góp được trên thực tế vì chỉ dựa vào bằng cấp mà “vồ vập” là không đúng, bởi đánh giá chuyện học và thi của ta đâu phải là chính xác.
Dẫn chứng nông dân Trần Quốc Hải ở Tây Ninh tu sửa, sửa chữa xe bọc thép cho quân đội Campuchia và được Thủ tướng nước này tặng Huân chương, ông Lâm cho rằng, đây là việc chúng ta cần xem lại việc sử dụng người tài vì trước đó chắc chắn ông Hải đã đề xuất nhưng trong nước không ủng hộ, đáp ứng đề xuất đó của ông.
“Phải đãi ngộ người có tài cho từng công việc, chứ cứ treo biển “trọng dụng” rồi nhìn vào bằng cấp thì không đúng. Chính sách thì “mỹ miều” nhưng không thực tế sẽ không đánh giá đúng người tài. Như vừa qua bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) làm Vụ phó Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vì cho rằng do ngoại ngữ giỏi. Nhưng thực tế anh này đã đóng góp được gì chưa trong khi ngoại ngữ chỉ là một điều kiện”- ông Lâm đặt vấn đề.