Nông nghiệp tạo đà vượt khó
Theo Bộ NN&PTNT, sang năm 2017, các hình thức biến đổi thời tiết và khó khăn được dự báo là vẫn chưa giảm so với năm 2016. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Bộ đã xác định việc sản xuất, chỉ đạo điều hành đi vào chiều sâu để tạo đà vượt khó.
Lựa chọn sản phẩm có giá trị sẽ tạo bứt phá cho nông nghiệp.
Năm 2016 khép lại, với những thách thức về biến đổi khí hậu, mưa lũ chồng mưa lũ, thị trường các mặt hàng mạnh gặp khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã khẳng định được mình khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỉ lục 32,1 tỷ USD.
Năm 2017 được ngành coi là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020. Bước vào ngày đầu năm, tổng hợp dự báo, ngành nông nghiệp vẫn xác định khó khăn thách thức năm 2017 vẫn chưa giảm so với năm 2016.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn mạnh dạn đưa ra một số chỉ tiêu tăng trưởng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản: 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành: 3,0 - 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu: 32,0 - 32,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%. Đặc biệt hơn, với tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới trong cả nước cũng được ngành này xác định sẽ đạt từ 28-30% vào năm nay.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, theo Bộ NN&PTNT sẽ cố gắng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bộ cũng chỉ đạo trong năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm.
Trục sản phẩm thứ nhất bao gồm sẽ chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên để làm sản phẩm chính của quốc gia. Trục sản phẩm chủ lực thứ 2 được hướng về các tỉnh thành. Theo đó các sản phẩm đặc sản của các tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)…. Trục sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau, hoa, cây dược liệu…
Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…
Việc lựa chọn và chú trọng này của Bộ NN&PTNT đã thể hiện việc đi vào chiều sâu, lựa chọn, không ôm đồm từ đó có hướng tập trung đầu tư và chủ động việc kiếm tìm đầu ra cho các sản phẩm có giá trị.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. Về quản lý điều hành, Bộ NN&PTNT cũng quy định, lãnh đạo Bộ 3 tháng sẽ tổ chức một buổi để nghe và nắm bắt tiến độ làm. Các Thứ trưởng được phân công chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương từ việc lắng nghe này sẽ quyết định đưa ra đề xuất và phương án hoạt động để tạo hiệu quả cao nhất.
Để phát huy thế mạnh có lựa chọn về trục sản phẩm có giá trị cao, ngành nông nghiệp cho biết sẽ tổ chức các cuộc gặp và có sự bàn bạc sớm với các tỉnh. Mục đích của những cuộc gặp gỡ này là làm sao tạo ra sự thống nhất, tập trung để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm các tỉnh. Từ đó sẽ có những giải pháp tổng thể theo tinh thần đưa chính sách, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối cho sản phẩm.
Ngoài lĩnh vực lựa chọn trục sản phẩm, trong năm 2017, một lĩnh vực được Bộ NN&PTNT xác định là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.
Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Trong năm 2016, cái được lớn nhất là chúng ta cơ bản xử lý, giải quyết dứt điểm chất cấm (Salbutamol và vàng ô) trong chăn nuôi, tồn dư thuốc BVTV trên rau đã giảm một cách đáng kể.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong tái cơ cấu, chúng ta cũng phải xây dựng chiến lược nông nghiệp Việt Nam theo hướng an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy 4 trọng tâm về Năm cao điểm hành động về an toàn thực phẩm của năm 2016.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vật tư đầu vào. Xây dựng các chuỗi liên kết có xác nhận, giới thiệu, kết nối với người tiêu dùng và tăng cường công tác thông tin truyền thông.